Nhân viên đội vệ sinh môi trường thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường địa bàn. Ảnh: Đức Hoa |
(Tiếp theo và hết)
II - Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trong khi chờ các cơ quan, ban, ngành chức năng có giải pháp xử lý nguồn rác thải sinh hoạt và rác thải từ làng nghề, người dân cần nâng cao ý thức tự giác và chấp hành tốt các quy định về xử lý rác thải: đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lon. Các cấp chính quyền, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về việc giữ gìn bảo vệ môi trường của nhân dân. Nhanh chóng hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động của các đội, tổ thu gom, xử lý rác thải tại địa phương để tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo quy định. Để tạo thuận lợi trong việc thu gom, xử lý rác, chính quyền các địa phương cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, đoàn, hội; nhất là ban quản lý các chợ, thôn, đội. Tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải thành 2 loại, bao gồm rác thải hữu cơ và các loại rác còn lại được thu gom hàng ngày tập kết về khu vực xử lý rác tập trung của địa phương. Tổ chức cho các hộ ký cam kết bảo vệ môi trường, đổ rác đúng nơi quy định, không xả thải rác bừa bãi. Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục rà soát và hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch bãi chôn lấp rác thải; tham mưu với UBND tỉnh tập trung đầu tư, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường và kêu gọi các nguồn đầu tư khác để xây dựng các công trình xử lý rác thải sinh hoạt ở các xã, thị trấn. Đồng chí Phan Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: "Thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm ở một số mô hình điểm về xây dựng bãi xử lý rác thải nông thôn. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức tập huấn và nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh... nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các bãi xử lý rác thải tập trung, góp phần thúc đẩy việc giữ gìn vệ sinh, bảo đảm môi trường nói chung và nông thôn nói riêng". Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức về quản lý, phân loại, xử lý các loại rác thải, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác thu gom, xử lý rác thải. Cán bộ quản lý môi trường ở cơ sở và các đơn vị có liên quan quản lý nghiêm việc thực hiện quy hoạch đất đai và bố trí nguồn kinh phí cho việc xây dựng bãi xử lý rác tập trung ở khu vực nông thôn. Đồng thời tiến hành kiểm tra việc thực hiện xây dựng, quản lý hoạt động của các bãi xử lý rác thuộc diện quy hoạch, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp môi trường của tỉnh không hiệu quả. Để kiểm soát tốt vấn đề môi trường nói chung, vấn đề rác thải ở khu vực nông thôn và nhất là ở các làng nghề nói riêng, các ngành Tài nguyên - Môi trường, NN-PTNT... cần rà soát và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện đăng ký lượng thải, nguồn thải để có biện pháp xử lý hiệu quả. Đối với những làng nghề đang bị ô nhiễm nặng, UBND các xã, thị trấn phải thực hiện bố trí kinh phí để xây dựng các bãi chôn lấp, xử lý chất thải, đầu tư các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn bảo đảm hợp vệ sinh theo quy định. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường chung; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc đóng phí bảo vệ môi trường, nhằm tạo nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động xử lý môi trường. Đối với công tác quản lý CTNH, cần tập trung thực hiện tốt chiến lược quản lý CTNH đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3166 ngày 25-12-2006. Chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở đang hoạt động mà chưa có cam kết, đăng ký bảo vệ môi trường phải lập đề án, phương án bảo vệ môi trường theo quy định. Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh cho phép xây dựng trạm trung chuyển CTNH tại KCN Hoà Xá (TP Nam Định) bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường và nguồn tài trợ của Chính phủ Thuỵ Sỹ thông qua dự án quản lý CTNH. Dự án đang tích cực được triển khai thực hiện và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu xử lý CTNH của các doanh nghiệp trong tỉnh. Mặt khác, các doanh nghiệp cần triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, từng bước thay thế công nghệ cũ, lạc hậu... để giảm thiểu nguồn thải CTNH và các loại rác thải khác ra môi trường. Các lực lượng chức năng như: Thanh tra môi trường, Cảnh sát môi trường... tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các đơn vị doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng không thực hiện đúng cam kết, không xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định, lén lút xả thải bừa bãi, xả thải vượt tiêu chuẩn. Khi phát hiện, thực hiện xử phạt nghiêm đối với những cơ sở, đơn vị vi phạm về quản lý và xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư 12 và Quyết định số 23 của Bộ Tài nguyên - Môi trường...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan ở nhiều xã, thị trấn là việc cần làm ngay, bởi đây là yêu cầu bức thiết của nhiều địa phương, nhằm tạo ra cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần bảo đảm môi trường sống bền vững cho cộng đồng dân cư ở các vùng nông thôn./.
Văn Đại và Thanh Thuỷ