Nam Định là một trong những tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi ở mức cao và tốc độ gia tăng khá nhanh. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, hiện nay tỷ lệ người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Điều này cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do lão hóa, sức khỏe giảm sút, mắc các bệnh mạn tính, cần được chăm sóc đặc biệt. Những năm qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình và cộng đồng được đẩy mạnh, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Người cao tuổi điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. |
Từ năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2025”. Nội dung quan trọng của đề án là tư vấn, giúp đỡ người cao tuổi có thói quen khám bệnh định kỳ, thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về sự kính trọng, giúp đỡ, phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, nhằm cải thiện sức khỏe, thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (ngày 23-10-2020) của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 12-7-2021. Mục tiêu nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Để đạt các mục tiêu đề ra, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các ngành chức năng, đoàn thể đã thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi như: cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu; hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với trường hợp khó khăn; tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi vào dịp Tết Nguyên đán; thăm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí… Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, treo pa nô, khẩu hiệu, băng rôn, sinh hoạt câu lạc bộ… cung cấp cho cán bộ, nhân dân, nhất là người cao tuổi thông tin về thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh, cách chữa bệnh. Nhất là hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người cao tuổi có sức đề kháng giảm, thường có bệnh nền nguy cơ lây nhiễm cao hơn và tiến triển nặng hơn nếu mắc COVID-19, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người cao tuổi hạn chế đi ra ngoài, đến các nơi công cộng tập trung đông người. Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, người cao tuổi nên tránh nơi tập trung đông người trong không gian hẹp, nên sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay. Trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế, ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như bệnh về phổi, bệnh về thận; đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout,... cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng về sử dụng thuốc điều trị thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý. Tranh thủ đến trạm Y tế kiểm tra, nhận thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính tối thiểu 2 tháng/lần, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế. Người cao tuổi cần ăn đủ chất, uống đủ nước (ít nhất 1,5-2 lít nước ấm), môi trường sinh hoạt thông thoáng và nên vận động nhẹ nhàng từ 30-45 phút mỗi ngày (đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội...) tùy theo điều kiện sức khỏe giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khỏe, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch chống lại vi rút và bệnh tật.
Cùng với công tác tuyên truyền, ngành Y tế và các huyện, thành phố tăng cường các giải pháp nhằm từng bước củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi cho tuyến dưới. Nâng cao năng lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi ở các địa bàn khó khăn và vùng ven biển. Năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng cho gần 400 người là cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tình nguyện viên tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương phát triển các CLB thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe, mô hình chăm sóc sức khỏe, các hoạt động văn hoá, văn nghệ… thu hút người cao tuổi tham gia, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, đồng thời thể hiện truyền thống, đạo lý đậm tính nhân văn của dân tộc. Thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2025”, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định đến năm 2030. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Người cao tuổi; mục đích, ý nghĩa và vận động gia đình và xã hội chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao sức khỏe, tinh thần, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, khỏe, tiếp tục đóng góp cho xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Tân