Triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS

07:11, 24/11/2021

Thời gian qua, do dịch COVID-19, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng như nhiều chương trình kinh tế - xã hội khác bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tỉnh đã triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phụ nữ mang thai được kiểm tra sức khỏe, tư vấn về xét nghiệm HIV tại Trạm Y tế phường Ngô Quyền (thành phố Nam Định).
Phụ nữ mang thai được kiểm tra sức khỏe, tư vấn về xét nghiệm HIV tại Trạm Y tế phường Ngô Quyền (thành phố Nam Định).

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ ca bệnh đầu tiên đến ngày 31-10-2021, toàn tỉnh có 5.857 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3.814 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.522 người đã tử vong. Riêng trong 10 tháng năm 2021, phát hiện 61 người nhiễm HIV và có 30 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong. Qua giám sát cho thấy, nguyên nhân nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy, lây truyền qua đường tình dục; tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 và nhóm tuổi 30-39. Trong cộng đồng vẫn còn tiểm ẩn nguy cơ làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cho Sở Y tế kịp thời đề xuất các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn, nhất là các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng dân cư, tư vấn chăm sóc bệnh nhân AIDS để sức khỏe ổn định, hưởng BHYT kịp thời, công tác phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm đạt hiệu quả cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, chủ động hướng về các địa bàn cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Việc tuyên truyền đã thiết thực hơn, lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không tổ chức được các hoạt động đông người như hội nghị, mít tinh nên hoạt động tuyên truyền tập trung vào hình thức nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn…, phát tờ rơi, chăng treo băng rôn, khẩu hiệu ở khu dân cư, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống đài phát thanh của huyện, loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Qua đó, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được gắn kết chặt chẽ với hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các huyện, thành phố đã gắn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Cùng với tuyên truyền, ngành Y tế triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; công tác điều trị HIV/AIDS  và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV… Tính đến 31-10-2021, toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị Methadone và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị là 2.283 người, đạt 120% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều trị cho 622 người, Trung tâm Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội Giao Thủy 340 người, Phòng khám đa khoa Đại Đồng 295 người, Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường 256, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu 250 người, Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh 195 người, Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy 179 người... Công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện hướng tới mục tiêu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Đến hết tháng 10-2021, toàn tỉnh có 1.458 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), trong đó có 1.424 người lớn và 34 trẻ em. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh là 100% (dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân không có thẻ BHYT). Trong 10 tháng năm 2021 có 200 bệnh nhân được xét nghiệm CD4 và 579 bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng HIV, trong đó 100% bệnh nhân có kết quả tải lượng HIV < 200cp, sức khỏe ổn định. 82 bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV đều được điều trị viêm gan C do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Bên cạnh đó, 694 bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV; 97 bệnh nhân HIV được xét nghiệm chẩn đoán lao, phát hiện 6 bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV, được điều trị đồng thời lao và ARV. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục hoạt động hiệu quả. Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 11.426 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Cả 14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV cho cả mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (12 trường hợp điều trị ARV trước khi có thai, 2 trường hợp phát hiện HIV khi chuyển dạ). Các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) được triển khai tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, từ đầu năm đến ngày 31-10-2021 đã điều trị cho 158 trường hợp phơi nhiễm do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp. 

Với các giải pháp được triển khai linh hoạt, hiệu quả, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả quan trọng. Những năm qua, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có xu hướng chững lại, tiếp tục ghi nhận số người nhiễm HIV/AIDS và tử vong hàng năm giảm (Số người nhiễm HIV mới phát hiện năm 2015 là 195 người, năm 2019 là 68 người, 10 tháng đầu năm 2021 là 30 người), tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,3%. Tỷ lệ HIV lây truyền từ mẹ sang con được khống chế. Đặc biệt do hiệu quả của chương trình chăm sóc điều trị đã giúp giảm số người tử vong do HIV/AIDS và kéo dài cuộc sống của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, một số hoạt động phòng chống HIV/AIDS bị triển khai chậm so với kế hoạch đề ra như hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho người có hành vi nguy cơ cao, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tải lượng HIV. 

Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV. Thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Củng cố và kiện toàn hệ thống giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS... hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị bằng ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác)./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com