Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Có tới 73,1% người không hút thuốc (khoảng 33 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nhà và 55,9% người lao động (trên 5 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc. Những nghiên cứu gần đây cho thấy xu hướng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ đang tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa. Theo điều tra toàn cầu của tổ chức GATS năm 2010, trong giới trẻ 15-24 tuổi, tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 26,1%, nữ giới là 0,3%. Đối với học sinh từ 13-15 tuổi, theo điều tra của tổ chức GYTS năm 2007 có 6,5% nam giới, 2,7% nữ giới hút thuốc.
Xây dựng môi trường không khói thuốc trong trường học là ưu tiên của các trường học trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Xây dựng môi trường không thuốc lá sẽ đem lại các lợi ích: Môi trường trường học không khói thuốc lá giúp cho học sinh, cán bộ, giáo viên đảm bảo quyền được hít thở bầu không khí trong lành, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc lá; xây dựng được nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học, giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe học đường; giảm tỷ lệ học sinh, cán bộ, giáo viên phải nghỉ học vì các bệnh liên quan đến khói thuốc lá; hạn chế được cháy nổ từ tàn thuốc lá, bật lửa, diêm; giảm chi phí cho việc vệ sinh môi trường, phòng học; giúp các gia đình giảm chi phí cho việc hút thuốc lá, tăng đầu tư cho việc học tập; giúp ngăn chặn các hành vi thử hút thuốc lá, giảm tỷ lệ thanh, thiếu niên bắt đầu hút; hỗ trợ tích cực cho người hút thuốc giảm số lượng điếu hút và tăng thêm quyết tâm bỏ hút thuốc.
Xây dựng trường học không khói thuốc lá là bảo vệ bạn, thầy cô và chính mình./.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định