Tăng huyết áp là bệnh rất phổ biến hiện nay. Khi bị tăng huyết áp phải uống thuốc, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Một số thảo dược dưới đây giúp giảm huyết áp...
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây tăng huyết áp như thừa cân béo phì, đái tháo đường, tiền sử gia đình, thói quen xấu: Uống rượu, hút thuốc, lười vận động… Bên cạnh đó, thời tiết lạnh vào mùa đông khiến cho mạch máu co lại và làm tăng nhịp tim cũng là một trong nhiều yếu tố dẫn đến tăng huyết áp (THA).
1. Thảo dược giúp giảm huyết áp
1.1. Câu đằng:
Một số loài câu đằng có tác dụng hạ huyết áp chủ yếu do hoạt chất rhynchophyllin. Cơ chế tác dụng có thể do ức chế hệ thần kinh giao cảm, làm giãn các mạch máu ngoại vi. Để điều trị tăng huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, ngày dùng 6-15g dạng thuốc sắc. Chú ý nếu dùng phối hợp với các vị khác thì sắc trước các vị đó, khi gần được mới cho câu đằng vào.
1.2. Cúc hoa vàng:
Có tác dụng điều trị tốt trên bệnh nhân tăng huyết áp. Tác dụng hạ áp có thể do ức chế phản xạ vận mạch nguồn gốc trung tâm và do ức chế adrenalin. Đồng thời cúc hoa vàng còn có tác dụng làm tăng độ bền mao mạch. Liều dùng mỗi ngày 8-16g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.
1.3. Đỗ trọng:
Vỏ thân đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp do ảnh hưởng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên dây thần kinh phế vị, gây giãn mạch ngoại vi và lợi tiểu. Để trị tăng huyết áp, ngày dùng 12-20g sắc uống.
1.4. Dâu tằm:
Bộ phận dùng là vỏ trong của rễ dâu (cạo bỏ vỏ ngoài) có tác dụng làm hạ huyết áp. Dâu tằm chứa hoạt chất moracenin, kích thích phó giao cảm, gây giãn mạch ngoại biên. Để trị tăng huyết áp, ngày dùng 4-12g vỏ trong rễ dâu, có khi đến 20 - 40g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
1.5. Ngưu tất:
Viên bào chế từ cao ngưu tất và saponin ngưu tất đã được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp, làm giảm huyết áp ở 83 % số bệnh nhân THA được điều trị. Huyết áp trung bình từ 180/100mmHg giảm xuống 145/90mmHg. Đỡ rõ rệt các triệu chứng nặng đầu, tức ngực, chóng mặt, mỏi mệt, giảm trí nhớ. Ngày dùng 8-12g sắc uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
1.6. Hòe hoa:
Cao chiết từ nụ hòe có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt trên thực nghiệm. Hòe được dùng chữa tăng huyết áp thể nhẹ và vừa; làm bền vững thành mạch. Ngày dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc uống hoặc hãm như hãm chè.
1.7. Đương quy:
Rễ đương quy có tác dụng hạ huyết áp trên thực nghiệm và được dùng làm thuốc trị tăng huyết áp trong y học cổ truyền. Ngày dùng 10-20g, thường phối hợp với các vị khác, dạng thuốc sắc hay rượu thuốc.
1.8. Tang ký sinh:
Có tác dụng hạ huyết áp trên thực nghiệm. Trong y học cổ truyền, để trị tăng huyết áp dùng 8-12g/ngày, dạng thuốc sắc và thuốc hãm hoặc phối hợp với các dược thảo khác.
2. Các bài thuốc trị tăng huyết áp trong y học cổ truyền
Bài 1: Câu đằng 10g, xuyên khung 5g, quế chi 3g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Vỏ trong rễ dâu, sơn dược, tri mẫu, bắc sa sâm, huyền sâm, mỗi vị 15g; sinh địa, mẫu đơn bì, táo ta, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, đương quy, hoàng cầm, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Đỗ trọng 20g, hoàng bá 10g, sa nhân 6g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Hạ khô thảo, bồ công anh, thảo quyết minh sao, mỗi vị 20g; cúc hoa, lá dâu, mã đề, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5: Tang ký sinh 12g, mẫu lệ 20g, hà thủ ô 16g, kỷ tử, sinh địa, quả dâu chín, ngưu tất, mỗi vị 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 6: Vừng đen, hà thủ ô, ngưu tất, các vị bằng nhau tán nhỏ, trộn với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g.
Bài 7: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân bị giãn tim, thở hổn hển, chóng mặt, có triệu chứng ứ trệ máu: Cúc hoa vàng 6g; mạch môn, hà thủ ô, mỗi vị 15g; sinh địa, đương quy, ngũ vị tử, táo ta, huyền sâm mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, cam thảo, đảng sâm, mỗi vị 6g, chi tử 3g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 8: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh thận: Đương quy 10g; trắc bá (hạt), táo ta, phục linh, vỏ trai, mỗi vị 15g; sinh địa, đảng sâm mỗi vị 10g; vân mộc hương 6g, hoàng liên 3g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 9: Chữa tăng huyết áp với các triệu chứng tim đập nhanh, ứ trệ máu ở mạch ngoại biên, da xanh tím, tê các ngón tay chân: Ngưu tất 25g, đương quy, sinh địa, mạch môn, long đờm, chi tử, hoàng liên, hoàng cầm, hoàng bá, thạch cao, mỗi vị 30g; lô hội, đại hoàng, hà thủ ô, mỗi vị 15g; tri mẫu 10g, vân mộc hương 6g. Tán bột, cho thêm mật ong, làm viên 0,5g. Uống mỗi lần 4 viên, ngày 3 lần.
Bài 10: Chữa tăng huyết áp, đau đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, khó ngủ: Nụ hòe (sao vàng), thảo quyết minh (sao), hai vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, mỗi ngày 10-20g, hãm uống thay chè.
Bài viết có tính chất tham khảo, người bị THA hay nghi ngờ THA nên được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa, việc dùng thuốc tây hay bài thuốc y học cổ truyền để ổn định huyết áp cũng cần có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa./.
Theo suckhoedoisong.vn