Bệnh nhân COVID-19 sau thời gian mắc bệnh, đã khỏi bệnh và âm tính với SARS-CoV-2. Giờ đến lúc các bệnh nhân sẽ bắt đầu cuộc hành trình phục hồi, quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Dưới đây là 6 nguyên tắc bệnh nhân COVID - 19 giai đoạn phục hồi cần nhớ.
1- Bệnh nhân COVID - 19 cần chế độ dinh dưỡng phục hồi
Khẩu phần dinh dưỡng trong giai đoạn này là khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm thực phẩm, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có giá trị sinh học cao (tức là ăn bao nhiêu sử dụng được bấy nhiêu) như: Sữa, trứng… và gia tăng tỉ lệ chất đạm. Do hệ tiêu hóa cũng cần thời gian để phục hồi, để giảm quá tải tiêu hóa, nên chia khẩu ăn hàng ngày ra làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn được nấu chín kỹ và mềm nhừ, để dễ dàng tiêu hóa hấp thu.
Dưới đây là thực đơn mẫu, có thể sử dụng cho người có thể trạng trung bình khoảng 50 - 60kg (trọng lượng trước khi bị bệnh) đang trong giai đoạn phục hồi sau bệnh COVID-19:
- 7h (ăn sáng): Hủ tíu thịt nạc băm (1 bát bánh hủ tíu, 70g thịt lợn nạc bằm nhỏ, xào với 1 muỗng canh dầu ăn, 2/3 chén rau giá); 1 hũ sữa chua 100ml.
- 9h30 (ăn phụ): 200ml sữa + 2 cái bánh quy.
- 12h (ăn trưa): Cơm (1 bát đầy, nấu mềm); cá hú kho nhạt (150g cá hú cả xương); Su su xào tỏi (120g su su xào với 1 muỗng cà phê dầu ăn), canh dưa cải nấu cà chua và sườn lợn (1 bát canh có 80g cải chua, ½ quả cà chua, 1 cục xương sườn lợn khoảng 20g); chuối cau (2 trái).
- 15h (ăn xế): Sinh tố bơ (160 bơ dầm với 1 muỗng canh sữa đặc có đường).
- 17h30 (ăn chiều): Bún gạo xào trứng và đậu phụ chiên (1 bát bún gạo, 1/1 miếng đậu phụ tương đương 80g, chiên vàng cắt mỏng, 1 quả trứng gà nhỏ 60g, 1 bát giá đầy, 1 bát rau đầy, 1 muỗng cà phê dầu ăn để phi hành); cam xoàn (1/2 trái).
- 20h30: 1 ly sữa 200ml.
Ngay cả những người trước đó có bị thừa cân béo phì, cũng cần phải phục hồi khối cơ và kho dự trữ vitamin và khoáng chất. Vì vậy, rất cần phục hồi trong giai đoạn này. Giảm mỡ tiếp theo sẽ bằng việc tập khối cơ bắp, chứ không phải bằng việc nhịn ăn, nếu không các tế bào đã bị tổn thương trong cơ thể sẽ không hồi phục được. Để tránh năng lượng ăn vào quá nhiều, có thể dùng sữa không béo, giảm bớt ½ lượng chất bột trong các bữa ăn trong thực đơn trên.
Với người suy dinh dưỡng và suy kiệt nhiều, có thể dùng sữa có mức năng lượng cao hơn, dùng để phục hồi sau bệnh trong vòng khoảng 2-3 tuần đầu.
Để cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng, có thể dùng thêm mỗi ngày 1 viên đa sinh tố (multivitamin) trong 2 tuần tiếp theo và có thể bổ sung các men vi sinh để giúp điều hòa hệ tiêu hóa trong vòng 1 tuần.
2- Tập thở
Đây là phần quan trọng nhất để chống tình trạng giảm độ đàn hồi (compliance) của phổi, nói nôm na tập thở sẽ giúp phổi co giãn tốt khi thở sau này. Thở bao gồm hít vào và thở ra.
Động tác hít vào cần nhẹ nhàng, chậm, sâu, phình bụng ra từ từ để không khí ùa vào trong các phế nang nhỏ, tách các phế nang đang viêm dính ra, làm phế nang căng lên. Khi thở ra, cũng cần thở chậm vừa, thở ra đến cuối thì hóp bụng lại nhẹ nhẹ để ép phế nang chặt lại, đẩy hết không khí thừa ra ngoài.
Trong giai đoạn mới hết bệnh, tập thở nhiều và nặng sẽ gây ho và gây đau. Không cần phải gắng sức, nhưng vẫn phải tập, đến khi hít vào có cảm giác đau thì dừng lại, thở ra rồi lập lại chu kỳ hít vào tiếp theo.
Giữa hai kỳ hít vào và thở ra, không cần nín thở như khi tập thở lúc khỏe. Nếu cảm thấy mệt, có thể tập khoảng mươi lần rồi nghỉ một chút, sau đó tập tiếp. Kèm với tập thở, cần uống đủ nước để làm lỏng đờm nhớt, giúp thông thoáng đường thở, làm lỏng máu, giúp hệ tuần hoàn tới phổi dễ dàng hơn để mang xác tế bào đi.
3- Tập tăng khối cơ
Trong các khối cơ có các sợi cơ, nguyên tắc chung khi có sự co hoặc giãn sợi cơ nhiều thì sẽ có cơ chế tăng tổng hợp các sợi cơ để đáp ứng nhu cầu co giãn của khối cơ. Vì vậy, khối cơ sẽ được tổng hợp nếu tập luyện làm co giãn các bắp cơ và ăn đủ lượng chất đạm để làm nguyên liệu tổng hợp khối cơ.
Không cần phải tập nặng, chạy nhảy cố sức. Chỉ cần tập chậm, co cơ tối đa, gồng cơ và kéo giãn cơ tối đa. Có thể tập bằng các tạ nhỏ hay chai nước suối đổ đầy. Có thể ngồi để tập từng cơ bắp một nếu còn mệt, hoặc tập tư thế ngồi xen kẽ với tư thế đứng.
4- Phục hồi các vấn đề về tâm lý và tinh thần
Một số ít bệnh nhân có ám ảnh hoảng sợ nặng nề, cần gặp bác sỹ chuyên khoa tâm lý, tâm thần để khám và tư vấn hoặc dùng thuốc.
Đa phần chỉ là hoang mang lo sợ vì nhiễu loạn thông tin. Cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, tự mình theo dõi sức khỏe và biểu hiện của chính mình, giữ tinh thần lạc quan, điều chỉnh cuộc sống bằng các hoạt động tích cực với gia đình và xã hội.
Ngủ đủ giấc cũng là một phần để phục hồi cả thể chất và tinh thần ở giai đoạn này. Nếu bệnh nhân khó ngủ, có thể trao đổi với bác sĩ để được dùng thêm các loại thuốc an thần an toàn và không gây nghiện.
5- Lưu ý khả năng tái nhiễm và miễn dịch với COVID-19
Ngay cả khi đã có miễn dịch sau bệnh và virus của đợt bệnh đầu tiên đã âm tính, người đã khỏi bệnh vẫn có thể là nguồn lây lan virus cho những người khác, nhất là trong những cộng đồng tiêm vaccine còn ít và chưa có đủ số lượng người có miễn dịch như Việt Nam hiện nay.
Vì vậy, vẫn nên chú ý đến chuyện giãn cách và mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Ngoài COVID-19, còn vô số các tác nhân gây bệnh khác ở mũi họng của những người khác nhau, bình thường thì có khi hiền lành, nhưng lúc yếu hay sức đề kháng kém thì có khi lại thành tác nhân gây bệnh.
Chúng ta vẫn chưa biết hết về các mặt đa dạng của virus COVID-19, các thông tin vẫn còn chưa đầy đủ, nhưng đã có những báo cáo về việc có thể nhiễm lại COVID-19 lần 2, lần 3, hoặc bệnh xong vẫn không có kháng thể. Không nên vì các thông tin đó mà lo lắng, hoảng sợ.
Kháng thể sau đợt bệnh sẽ đủ bảo vệ trong 6 tháng, một số người vẫn chủ trương tiêm thêm 1 mũi vaccine để nâng cao miễn dịch tối đa. Ngay cả khi việc tái nhiễm hay tái phát xảy ra, cũng không có nhiều khả năng người bị tái nhiễm hay miễn dịch kém hơn sẽ bị bệnh nặng hơn lần đầu, nên vẫn có cách giải quyết an toàn khi đó, không nên quá lo lắng.
6- Thời gian phục hồi sẽ kéo dài
Khó mà trả lời được đến bao lâu thì toàn bộ các vết sẹo sẽ trở thành xơ và cơ thể sẽ dừng việc sửa chữa các tổn thương, hư hỏng tế bào do đợt bệnh gây ra. Tuy nhiên, cũng có thể chắc chắn rằng, thời gian này không thể ngắn chỉ vài ngày được.
Vì vậy, sau 3 - 4 tuần phục hồi tích cực, khi thấy cơ thể mình đã khỏe, cân nặng đã phục hồi, hoạt động tay chân có thể khỏe mạnh linh hoạt như trước khi bị bệnh, thì có thể chuyển sang giai đoạn phục hồi duy trì, tức là quay trở lại với cuộc sống bình thường mới (sống bình thường nhưng có thêm những kiến thức chăm sóc sức khỏe mới).
Nên ăn uống phù hợp với nhu cầu, thở đúng, ngủ đủ, thể dục hàng ngày, sống vui vẻ, lạc quan… cũng là những việc cần làm, điều này sẽ giúp cho cuộc sống mỗi ngày thêm vui vẻ và khỏe mạnh hơn./.
Theo suckhoedoisong.vn