Nghĩa Hưng triển khai đồng bộ công tác dân số

08:08, 25/08/2021

Dân số huyện Nghĩa Hưng có trên 176 nghìn người, trong đó có gần 34 nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phụ nữ xã Nghĩa Đồng trong Chiến dịch truyền thông lồng ghép đợt 1-2021.   Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phụ nữ xã Nghĩa Đồng trong Chiến dịch truyền thông lồng ghép đợt 1-2021.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, hàng năm, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ huyện và Ban Dân số - KHHGĐ 24 xã, thị trấn đều được kiện toàn, xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Hàng năm, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có chỉ tiêu về thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện, các đoàn thể và 24 xã, thị trấn thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào 4 nhóm: Người có uy tín trong cộng đồng, người cung cấp dịch vụ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, tập trung phổ biến Pháp lệnh Dân số, Điều 10 Pháp lệnh Dân số sửa đổi, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, phản ánh các hoạt động về dân số - KHHGĐ ở các địa phương, đơn vị. Trung tâm Y tế huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ nhằm duy trì mô hình mỗi gia đình sinh 2 con. Ban Dân số - KHHGĐ các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế tại cơ sở xây dựng kế hoạch, sử dụng băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền rộng rãi về công tác dân số - KHHGĐ. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề về dân số - KHHGĐ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số ở thôn, xóm đã thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tăng cường truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình về chính sách dân số - KHHGĐ, kiến thức CSSKSS-KHHGĐ, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi… Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tuyên truyền về công tác dân số nói chung và nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số nói riêng… từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên, thành viên và nhân dân về thực hiện KHHGĐ, “dừng lại ở hai con để nuôi dạy con tốt”. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tuyên truyền qua trang facebook của ngành Dân số Nghĩa Hưng, tuyên truyền trên nền tảng TikTok, phát động cán bộ, cộng tác viên dân số và nhân dân hưởng ứng các cuộc thi tuyên truyền về dân số…

Cùng với công tác truyền thông, huyện Nghĩa Hưng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ, nhất là cán bộ làm dịch vụ CSSKSS và thực hiện KHHGĐ. Hàng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số của 24 xã, thị trấn và 343 cộng tác viên dân số đều được tập huấn, cập nhật kiến thức cách thu thập thông tin biến động liên quan đến lĩnh vực dân số - KHHGĐ; kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách; cung cấp các ấn phẩm tuyên truyền như tạp chí, tờ tranh, tờ bướm… cho các đơn vị cơ sở. Tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực hiện kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ tại chỗ, thuận lợi và an toàn cho các đối tượng có nhu cầu. Hàng năm, huyện tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại các xã, thị trấn; tăng cường quản lý đối tượng thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng. Đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ năm 2021, huyện Nghĩa Hưng triển khai tại 6/24 xã, thị trấn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chiến dịch đang triển khai tạm dừng các hoạt động tuyên truyền tập trung đông người tại các hội nghị chuyển sang tuyên truyền nhóm nhỏ, tăng cường tuyên truyền trên Đài Phát thanh của huyện và hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn. Kết quả, toàn huyện đã phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em/KHHGĐ phụ nữ; khám phụ khoa cho 682 chị em; trong đó có 210 phụ nữ phát hiện mắc bệnh đã được tư vấn và điều trị. Năm 2021, các biện pháp tránh thai như thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, dụng cụ tử cung được cung cấp miễn phí cho người dân tại các xã trong huyện nên đã thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tham gia chiến dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện có 4.688 người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 77% kế hoạch năm. Với những biện pháp thiết thực, hiệu quả, những năm qua, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ giảm sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện có những chuyển biến tích cực. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát… 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có 1.040 trẻ được sinh ra, giảm 43 trẻ so với cùng kỳ năm 2020; trong đó 332 trẻ là con thứ 3 trở lên, giảm 6 bé so với cùng kỳ năm 2020. 

Với mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân số. Nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK sinh sản, các dịch vụ kỹ thuật tránh thai an toàn, thuận tiện cho mọi đối tượng có nhu cầu; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS và tiếp thị xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số./.

Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com