Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 30-6-2021, toàn tỉnh có 5.851 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3.790 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.642 người đã tử vong. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã phát hiện 19 người nhiễm HIV mới, 70 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 17 người tử vong. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp đã có nhiều hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng và hỗ trợ người nhiễm HIV.
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân về xét nghiệm HIV. |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định, trên trang web của các đơn vị, của ngành Y tế; tổ chức truyền thông lưu động trên các tuyến đường chính của 10 huyện, thành phố kêu gọi cộng đồng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS; tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động khám, chữa bệnh... 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 168 nghìn lượt người được truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi về: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV)… cho những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Cùng với tuyên truyền, ngành Y tế tăng cường các hoạt động giám sát HIV/AIDS và can thiệp, giảm thiểu tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Hiện nay, công tác giám sát, phát hiện được triển khai tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm tự nguyện, xét nghiệm tại cộng đồng, xét nghiệm sàng lọc tại các trung tâm y tế, bệnh viện, để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV, từ đó có biện pháp tư vấn, hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn việc lây truyền HIV. Trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 3.711 người được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 43 mẫu HIV dương tính (bao gồm cả các trường hợp xét nghiệm mới và xét nghiệm lại). Tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng HIV dương tính từ phòng tư vấn xét nghiệm sang cơ sở điều trị HIV/AIDS đạt 100%. Ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, nhằm giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị Methadone và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị là 2.168 người, đạt 114% chỉ tiêu giao. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều trị cho 599 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Xuân Trường 251 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Hải Hậu 232 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Trực Ninh 178 bệnh nhân, Phòng khám đa khoa Đại Đồng 264 bệnh nhân, Trung tâm Bảo trợ và Phòng chống TNXH Giao Thủy 338 bệnh nhân... Tại các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone, công tác kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cơ sở thực hiện thường xuyên. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình cấp phát thuốc, đảm bảo cung cấp đúng, đủ cho các bệnh nhân điều trị. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS như: cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao thông qua đội ngũ tiếp cận cộng đồng. Tiêu biểu như: Dự án VUSTA tổ chức phát bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm người nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và thành phố Nam Định. Dự án Quỹ toàn cầu triển khai chương trình phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nghiện chích ma túy tại các huyện: Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng đã tiếp cận truyền thông, cấp phát 60 nghìn bơm kim tiêm miễn phí và tư vấn xét nghiệm HIV cho các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện hướng tới mục tiêu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Đến hết tháng 6-2021 toàn tỉnh có 1.383 bệnh nhân đang được điều trị ARV, trong đó có 1.341 người lớn và 42 trẻ em. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh là 100% (dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân không có thẻ BHYT). Cùng với đó, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tăng cường. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 3.700 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Cả 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã và đang điều trị dự phòng ARV Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tiếp tục được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ khi mới sinh. Công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đến nay, tổng số bệnh nhân tham gia điều trị PrEP là 111 người; trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều trị 50 bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa Hải Hậu 53 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Giao Thủy 3 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Nghĩa Hưng 3 bệnh nhân, Trung tâm Y tế Xuân Trường 2 bệnh nhân.
Việc triển khai tốt các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV của các đơn vị y tế trên địa bàn đã góp phần hỗ trợ người nhiễm HIV, giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại; bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc và điều trị thích hợp, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng xuống dưới 0,3% vào năm 2020, tiến tới không còn người nhiễm mới vào năm 2030./.
Bài và ảnh: Minh Tân