Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

07:05, 30/05/2013

Tỉnh ta được Viện Dinh dưỡng đánh giá là địa phương triển khai hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE). Năm 2012, việc theo dõi cân nặng để đánh giá tình trạng SDDTE được triển khai ở 100% số thôn, xóm và đạt 98,01% tổng số trẻ dưới 5 tuổi toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD thấp còi năm 2012 (mỗi xã chọn 1 cụm đại diện để đánh giá) còn 19,91%, vượt kế hoạch 1,13%.

Cô và trò Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực).
Cô và trò Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực).

Đạt được kết quả trên, công tác PCSDDTE đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo; các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp triển khai thực hiện; đồng thời có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành y tế, giáo dục mầm non trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng nuôi dạy trẻ… Nhận thức của cộng đồng về công tác PCSDDTE ngày càng được nâng cao thông qua hệ thống thông tin, giáo dục truyền thông về PCSDD từ tỉnh tới cơ sở. Tuy vậy, công tác PCSDDTE của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn: Đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao về nhi khoa còn thiếu; một số trung tâm y tế chưa có bác sĩ trưởng khoa CSSKSS. Tại Trung tâm CSSKSS tỉnh, chưa có bác sĩ trình độ trên đại học về nhi khoa nên khó khăn trong khám nội nhi tại chỗ và chỉ đạo tuyến. Đội ngũ cán bộ, CTV dinh dưỡng kiêm nhiệm nhiều việc hoặc luân chuyển, thay đổi vị trí làm việc; hiện tại chỉ có 3.215/3.698 CTV dinh dưỡng thôn, xóm. Mỗi thôn, xóm không đủ 1 cân và 1 thước đo để cân và đo chiều cao cho trẻ; ở các xã đã có thì các dụng cụ này cũng cũ, không đảm bảo chất lượng. Việc chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh để giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh, PCSDD bào thai là một vấn đề nan giải của công tác PCSDDTE… Năm 2013, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi theo cân nặng xuống còn 14,3%; giảm tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi theo chiều cao xuống còn 19,5%. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu PCSDD năm 2013, Sở Y tế cần tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, duy trì mỗi huyện, xã có 1 chuyên trách dinh dưỡng; mỗi thôn, xóm có 1 CTV dinh dưỡng. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông để cung cấp kiến thức PCSDDTE cho cộng đồng. Nâng cao chất lượng khám, tư vấn dinh dưỡng tại Trung tâm CSSKSS tỉnh. Hỗ trợ về chuyên môn cho phòng khám tư vấn dinh dưỡng, triển khai góc tư vấn dinh dưỡng tại khoa CSSKSS tại các trung tâm y tế cấp huyện. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe dinh dưỡng tại tuyến xã cần được thực hiện trực tiếp, cụ thể đến từng đối tượng thông qua cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và CTV dinh dưỡng, dưới các hình thức như: trình diễn nấu ăn cho các bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị SDD; hướng dẫn cho phụ nữ có thai cách cho bú đúng, cách “tô màu” bát bột và tư vấn về ăn uống đủ chất bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương. Tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng thường xuyên tại trạm y tế xã. Tuyên truyền trên đài truyền thanh xã các nội dung về CSSKDD cho bà mẹ trẻ em 1 lần/tuần. Nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai, đảm bảo 100% phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai dưới 3 lần trong thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đủ liều, uống 1 viên sắt Folic mỗi ngày, uống bổ sung 1 liều vitamin A trong vòng 1 tháng sau đẻ. Duy trì và nâng cao chất lượng theo dõi, quản lý, giám sát các hoạt động ở cơ sở như cân, đo, chấm biểu đồ cho 100% trẻ em từ khi sinh đến dưới 5 tuổi hằng tháng để đánh giá tình trạng SDDTE. Tăng cường công tác xã hội hoá và huy động cộng đồng vào công tác CSSKTE-PCSDD./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com