Vệ sinh môi trường sống

07:05, 24/05/2013

Vệ sinh môi trường rất quan trọng trong đời sống của con người, nhưng hiện nay chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và khan hiếm nguồn nước sạch. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm về đường tiêu hoá như tả, lỵ, thương hàn...; môi trường bị ô nhiễm sẽ gây ra nhiều bệnh như hen, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính... mà chi phí cho việc chữa trị các bệnh này rất cao, có khi kéo dài hằng tháng làm ảnh hưởng đến lao động và học tập.

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường là do sự xả rác thải, nước thải, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người ngày càng tăng mà không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách gây ô nhiễm đến nguồn nước và môi trường. Ngoài ra, sự gia tăng nhanh về dân số, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cũng làm tăng sự ô nhiễm nước và môi trường.

- Nước và môi trường bị ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp làm lan truyền mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người:

+ Nhóm các bệnh do vi sinh vật, gồm các bệnh về đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán…), ngoài da, phụ khoa, mắt (đau mắt đỏ, mắt hột)… Đặc điểm của nhóm bệnh do vi sinh vật gây bệnh tùy thuộc độc lực của chúng và khả năng miễn dịch của cơ thể.

+ Nhóm các bệnh không có tác nhân vi sinh vật (do hóa chất): gây bệnh về da (asen), gan (đồng), hệ thần kinh (thủy ngân, chì), nồng độ cao có thể gây ngộ độc… Đặc điểm các bệnh do hóa chất là độc tính của các hóa chất có tính tích lũy gây các bệnh mãn tính. Trừ những trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng có thể gây ngộ độc cho người dùng nước.

- Để bảo vệ môi trường sống, điều đầu tiên là chúng ta phải biết cách thu gom và xử lý rác. Cách thu gom và xử lý rác:

+ Trong gia đình: Quét dọn nhà cửa hằng ngày, đổ rác đúng nơi quy định, phân loại và thu gom vào nơi quy định để tái chế hoặc xử lý. Ở nông thôn có thể xử lý rác bằng cách chôn đốt, ủ làm phân bón.

+ Ở nơi công cộng: Chứa rác vào các thùng rác công cộng, hằng ngày có xe lấy rác đem đi xử lý.

- Đối với phân người: Nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu thấm dội nước, nhà tiêu 2 ngăn ủ phân tại chỗ, nhà tiêu chìm có ống thông hơi sử dụng cho gia đình).

- Đối với chất thải chăn nuôi: Cần phải được thu gom hằng ngày, đưa đi ủ hoặc xử lý. Cách xử lý: có thể dùng hố ủ phân sử dụng các chất độn (vôi bột, tro, trấu…) hoặc xây dựng hệ thống biogas để xử lý phân, tận dụng tạo ra nguồn nguyên liệu./.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com