Hình minh họa |
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên mà muỗi Anophen là trung gian truyền bệnh. Muỗi thường đốt người vào ban đêm, truyền ký sinh trùng từ người bệnh sang người lành. Trong cơ thể người nhiễm bệnh, ký sinh trùng sốt rét sinh sôi nảy nở rất nhanh phá vỡ hàng loạt hồng cầu làm cho người bệnh bị thiếu máu cấp và nhiễm độc gây biểu hiện nhức đầu, đau mình mẩy, lên cơn rét run rồi sốt nóng, vã mồ hôi, hậu quả người bệnh gầy yếu, xanh xao, thiếu máu, gan to, lách to… Đối với phụ nữ có thai, trẻ em, những người mới đến vùng sốt rét nếu không phòng bệnh tốt dễ mắc các bệnh sốt rét nặng, sốt rét ác tính với các biểu hiện như mê sảng, co giật, phù phổi cấp… có thể dẫn đến tử vong.
Phụ nữ có thai bị sốt rét dễ gây sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu. Đối với người lớn có sức khoẻ tốt khi bị sốt rét, nếu không chữa trị triệt để có thể khiến bệnh tái phát nhiều lần làm cho cơ thể bị suy kiệt dẫn đến thiếu máu. Vì vậy khi bị sốt rét phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm, chuẩn đoán và điều trị kịp thời, không để bị sốt rét ác tính dẫn đến tử vong. Trường hợp đi làm xa ở vùng sốt rét, xa cơ sở y tế cần mang theo thuốc sốt rét để uống ngay khi bị sốt phải dùng đủ liều và đủ số ngày điều trị theo chỉ định của bác sỹ, kể cả khi đã hết sốt, nếu không ký sinh trùng sốt rét sẽ trở nên nhờn thuốc và khó chữa. Tất cả những người vào vùng sốt rét phải uống thuốc phòng sốt rét theo hướng dẫn của y tế. Biện pháp quan trọng là thường xuyên nằm màn để phòng muỗi đốt, tốt nhất là sử dụng màn có tẩm hoá chất diệt muỗi, mặc quần áo dài che bớt vùng da hở tránh muỗi đốt. Thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. Những người đi làm ở vùng rừng núi không nên làm lán trại ngay trong rừng hoặc sát bìa rừng nơi có nhiều muỗi sốt rét sinh đẻ và trú ẩn./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK
(Sở Y tế)