Những năm qua, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển công nghiệp chế biến dược với mục tiêu “đầu tư chiều sâu, phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh của cả nước”.
Chế biến dược liệu trong nhà kính tại cơ sở của bà Đỗ Thị Gấm, xã Hải Tây (Hải Hậu). |
Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện hơn 20 đề tài, dự án nghiên cứu trong lĩnh vực y - dược. Nổi bật là phối hợp với Công ty TNHH Nam Dược thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình chiết saponin từ rễ cây đinh lăng trên quy mô công nghiệp” để sản xuất sản phẩm có hàm lượng dược chất cao, tạo ra nguồn dược liệu đạt chuẩn, hạ giá thành sản phẩm. Dự án đã giúp Công ty TNHH Nam Dược xây dựng hoàn thiện quy trình chiết xuất saponin toàn phần và đưa vào sản xuất trên quy mô công nghiệp tạo ra sản phẩm “Hoạt huyết Nam Dược” và một số sản phẩm có công dụng tăng lực, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, Sở KH và CN còn phối hợp với Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà thực hiện dự án “Nghiên cứu tối ưu kỹ thuật bào chế và đánh giá sinh khả dụng của Rifampicin trong thuốc viên chống lao phối hợp 3 thành phần Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid”. Đây là một trong những dự án tiên phong trên cả nước nghiên cứu kỹ thuật bào chế và đánh giá sinh khả dụng của thuốc chống lao phối hợp nhiều thành phần. Sản phẩm của dự án không chỉ hỗ trợ rất tốt cho người bệnh, mà còn giúp hạn chế sai sót trong việc kê đơn, tính liều, chuẩn hóa phác đồ điều trị, dễ dàng cho việc quản lý cũng như góp phần vào tuyên truyền phòng chống lao trong cả nước.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến dược trong tỉnh cũng luôn chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, từng bước chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ năm 2010, bà Đỗ Thị Gấm, xóm 2, xã Hải Tây (Hải Hậu) đã chuyển đổi, cải tạo 5 mẫu ruộng trồng lúa kém hiệu quả thành vùng trồng dược liệu với hơn 70 loại cây, tập trung chủ yếu là: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới… Bà cũng đầu tư xây dựng nhà kính để phơi, sấy dược liệu; đầu tư các loại máy: sao chè công nghiệp bằng gas điện, chế biến trà, đóng túi, máy đảo, nồi nấu cao cô dược liệu bằng điện để chế biến các loại trà giảm cân, dưỡng nhan, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh, trà cho bệnh nhân tiểu đường và các loại dầu gội đầu, sữa tắm từ thảo dược. Từ năm 2021, cơ sở của bà Gấm đã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP và có sản phẩm “Trà Thanh Tâm An” được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao; 2 sản phẩm “Tĩnh tâm trà” và “Trà thanh tâm uyển” đang được đánh giá và xét công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2022. Hiện nay, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chế biến từ dược liệu tự nhiên của cơ sở đã khẳng định được chất lượng và dần thiết lập được chỗ đứng trên thị trường. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của bà Cúc xuất bán ra thị trường 1 tạ trà, 3-5 tạ dược liệu, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. “Thời gian tới, tôi tiếp tục xây thêm nhà xưởng và đầu tư dây chuyền thiết bị và công nghệ để sản xuất, chế biến các loại dầu gội, sữa tắm dược liệu” - bà Gấm cho biết thêm.
Với tiêu chí “Chất lượng, hiệu quả” là kim chỉ nam trong đường lối hoạt động, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà đã vươn lên đứng trong Top những công ty dược phẩm có doanh số sản xuất cao nhất tại Việt Nam. Để đạt được kết quả này, Công ty không ngừng đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất, áp dụng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Công ty áp dụng các tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP), Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) của WHO và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 đã tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, được bác sĩ dùng để thay thế cho các sản phẩm cùng loại nhập ngoại như: thuốc Ideal, Newchoice, Naphalevo, Naphacogyl, thuốc ho Bổ phế Nam Hà, Naphacollyre, Coldi-B, Erythromycin… góp phần giúp người dân tiếp cận với các thuốc chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập với giá rẻ. Không chỉ thành công tại thị trường trong nước, Công ty còn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như: Nga, Lào, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, châu Phi… Thành lập từ năm 2011, Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA, xã Tân Thành (Vụ Bản) được biết tới là đơn vị chuyên nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên an toàn và hiệu quả. Với mong muốn đưa công nghệ hiện đại vào chế biến dược liệu, từ năm 2017, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đông dược đạt tiêu chuẩn GMP. Đồng thời xây dựng vườn dược liệu xanh gieo trồng trực tiếp tại địa phương để kiểm soát chặt chẽ từ các khâu gieo trồng, chế biến theo quy trình khép kín, nâng cao chất lượng của từng sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm Siro PQA hen suyễn, PQA nhuận tràng và nhiều sản phẩm chất lượng khác của Công ty đã chiếm lĩnh vị thế nhất định trên thị trường. Ngoài Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA và Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, các doanh nghiệp chế biến dược khác trong tỉnh như: Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Fresh life, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen chi nhánh Nam Định cũng đã xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến dược phẩm được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước trong lĩnh vực sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng.
Hiện nay tỉnh đã quy hoạch KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) với tổng diện tích 158,5ha, có sẵn mặt bằng sạch để thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp dược. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dược phẩm trên địa bàn không ngừng đổi mới, từng bước chuyên nghiệp hóa, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bằng cách hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước khẳng định vị thế ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh