Những năm qua, các hoạt động tạo lập, bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ các sản phẩm luôn được các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai. Qua đó, đã góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Nam Định trên thị trường. Đặc biệt là đã tạo lập được vị thế vững chắc cho thương hiệu các sản phẩm chủ lực, góp phần gia tăng giá trị trên thị trường, thúc đẩy phát triển mở rộng sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Người dân lựa chọn sản phẩm nước mắm tại một cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Để khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm này. Đến nay, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn của tỉnh đã ứng dụng các công nghệ mới được hình thành, phát triển với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho rất nhiều đặc sản địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) như: 5 nhãn hiệu tập thể (nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, Hiệp hội nông sản sạch Nam Định, cơ khí Xuân Tiến); 3 nhãn hiệu chứng nhận (đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu, mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy). Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở KH và CN tiếp tục hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như: tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Phở xưa Nam Định” dành cho sản phẩm phở tại Nam Định; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Thực hiện chương trình OCOP, Sở KH và CN đã hướng dẫn các cơ sở, đơn vị chủ thể sản phẩm tham gia chương trình ghi nhãn hàng hoá, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất... Đến nay, toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao và 212 sản phẩm 3 sao), trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng đã giúp tiếp cận được với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính như: muối sạch xuất sang Nhật Bản; nông sản sấy xuất khẩu sang Trung Quốc; thịt ngao đóng hộp Lenger xuất khẩu sang EU; sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia...
Theo thống kê, tính đến tháng 6-2022, toàn tỉnh có 3.673 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và đã có 1.909 nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Việc thiết lập bản quyền thương hiệu đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng quy mô sản xuất và doanh thu.
Theo các nhà chuyên môn, SHTT là “một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho chủ thể sở hữu và xã hội. Đó cũng là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho từng doanh nghiệp, chủ thể tài sản trí tuệ cũng như nền kinh tế quốc gia trong hội nhập. Vì vậy, nó được xem là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Trong công tác quản lý, việc tuân thủ hệ thống quản lý SHTT là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập hiệu quả; chống nguy cơ tụt hậu. Do đó, từ năm 2021 đến nay, thực hiện chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh các hoạt động triển khai chiến lược SHTT đã được các cấp, ngành triển khai về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung của tỉnh và các địa phương. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức chính sách và pháp luật về SHTT thông qua nhiều hình thức và cách thức khác nhau được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, công tác tư vấn hướng dẫn về đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục được các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh quan tâm. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Sở NN và PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản gắn với phát triển thị trường tiêu thụ. Việc thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ và đầu tư cho hoạt động bảo hộ, quản lý cũng như thực thi quyền SHTT được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong xu thế hội nhập. Với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX đã tích cực đổi mới công nghệ, tăng cường nghiên cứu, phát triển tạo ra các sản phẩm có chất lượng có thương hiệu, nhãn hiệu bảo hộ nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến các quy định của Luật SHTT, các Nghị định của Chính phủ về quyền tác giả và quyền liên quan tới các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn, tổ chức biểu diễn. Sở GD và ĐT đã tổ chức tuyên truyền về SHTT đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dạy học; tổ chức Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh. Sở Công Thương triển khai thực hiện công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh; tư vấn, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm sáng tạo, trí tuệ có giá trị cao, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tăng cường đầu tư cho phát triển hoạt động SHTT để giúp sản phẩm phát triển; hướng dẫn bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao như ngành sản xuất thuốc và hóa dược; cơ khí chế tạo, điện tử - cơ điện tử và công nghiệp phần mềm; công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản. Các huyện, thành phố Nam Định tập trung xây dựng các chương trình quảng bá sản phẩm đặc sản, làng nghề, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng giá trị hàng hóa làng nghề. Tuyên truyền khuyến khích ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống… Có thể nói, các hoạt động tuyên truyền về SHTT đã và đang được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội, chính quyền địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Tạo lập, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng như đưa Luật SHTT vào cuộc sống là nhiệm vụ cần thiết và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm, trong đó đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đứng vững trên thị trường, thuận lợi xuất khẩu trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh