Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường chuyển đổi số, tạo ra sức bật mới trong sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Các lĩnh vực chuyển đổi số đang được ngành Điện tập trung thực hiện bao gồm sản xuất điện năng, đầu tư xây dựng hệ thống điện, quản trị nội bộ, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Cán bộ kỹ thuật Phòng Công nghệ thông tin (Công ty Điện lực Nam Định) trao đổi giải pháp sử dụng thiết bị điện mới. |
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Nam Định đã xây dựng 8 nội dung chính đáp ứng yêu cầu của cấp trên, phù hợp với lộ trình của đơn vị và điều kiện thực tế của tỉnh. Đối với lĩnh vực viễn thông, CNTT, Công ty Điện lực Nam Định xác định đây là nền tảng cốt lõi và quan trọng trong công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hạ tầng viễn thông, CNTT tại Công ty Điện lực Nam Định được thiết lập và vận hành với hơn 592km cáp quang kết nối 100% các đơn vị trực thuộc đến 13 trạm biến áp 110kV không người trực. Hạ tầng được phân tách thành 2 hệ thống là công nghệ vận hành (OT) và công nghệ thông tin (IT) độc lập nhau; được giám sát với 76 thiết bị truyền dẫn vận hành dựa trên công nghệ truyền dẫn tiên tiến nhất hiện nay là ghép kênh quang theo bước sóng (DWDM) và truyền dẫn đồng bộ (SDH), truyền dẫn IP phục vụ điều hành lưới điện và sản xuất kinh doanh điện. Hệ thống mạng máy tính, máy chủ, bộ chuyển mạch, máy phát sóng hiện có khối lượng trên 900 thiết bị đặt tại trụ sở Công ty và ở các đơn vị trực thuộc. Công tác an toàn thông tin được đặt lên hàng đầu. Với khối lượng quản lý vận hành 28 thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được trang bị hệ thống tường lửa chuyên dụng đang đáp ứng rất tốt yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin tại Công ty Điện lực Nam Định. Từ đầu năm 2022 đến nay, hạ tầng hệ thống thông tin tại Công ty hoạt động an toàn, ổn định, không ghi nhận sự cố tấn công mạng. Hiệu quả hoạt động của hệ thống viễn thông, CNTT chuyên dụng đã chủ động ngăn ngừa được 71 vụ có nguy cơ an ninh trên toàn hệ thống; ngăn ngừa và chặn được 3,4 triệu địa chỉ trong danh sách đen trên toàn hệ thống; phát hiện, phòng ngừa các đợt tấn công mạng có chủ đích vào hệ thống của ngành Điện, đặc biệt có 2 đợt tấn công vào công nghệ vận hành từ các Công ty Điện lực khác. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực hệ thống mạng cáp quang và các thiết bị truyền dẫn đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông, CNTT vận hành vững chắc, huyết mạch cho dòng điện sáng...
Trên lĩnh vực số hóa dữ liệu, hiện tại Công ty đã thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu thanh toán, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch... bằng nhiều phần mềm chuyên dụng. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động số hóa được tăng cường đối với các lĩnh vực kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư xây dựng, văn phòng, tổ chức nhân sự... Đối với số hóa quy trình nghiệp vụ, hiện tại Công ty đã tiến hành số hóa và đưa vào vận hành các phần mềm số hóa quy trình thuộc 3 lĩnh vực chính là tài chính kế toán, kinh doanh dịch vụ khách hàng và lĩnh vực kỹ thuật an toàn điện. Sau khi số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, việc tương tác giữa các khách hàng, các đối tác, phòng ban, đơn vị được thực hiện hoàn toàn trên không gian số thông qua các ứng dụng nội bộ, ứng dụng hiện trường, tạo ra quy trình khép kín, loại bỏ tất cả khâu trung gian. Cụ thể đến nay, dịch vụ điện phương thức điện tử đã thực hiện đạt 99,19%; dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 đạt 86,09%; vận hành các ứng dụng hiện trường trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng thực hiện vượt mức chỉ tiêu Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao... Việc áp dụng công nghệ mới, tự động hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được đơn vị đặc biệt chú ý thông qua nhiều chương trình ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Đến nay, việc lắp đặt đã hoàn thành 4.201 công tơ đo xa đầu nguồn, đạt 96,17% số công tơ cần lắp đặt; lắp đặt 267.480 công tơ đo xa bán điện, chiếm 35% tổng số công tơ bán điện... Hoạt động áp dụng công nghệ mới, tự động hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được tăng cường thực hiện thông qua các chương trình tự động hóa lưới điện trung áp; xây dựng các đề tài khoa học; tích cực ứng dụng tính toán tổn thất điện năng lưới điện; từ đó góp phần giảm tổn thất kể cả tổn thất thương mại và kỹ thuật... Thời gian này, để đáp ứng yêu cầu thực tế, Công ty Điện lực Nam Định đang phối hợp, thực hiện các dự án đầu tư theo đúng chủ trương của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc bao gồm lắp đặt trang thiết bị hệ thống truyền dẫn liên tỉnh mới; khảo sát, đánh giá hiện trạng, lắp đặt đường giám sát cáp quang liên tỉnh; khảo sát, nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình tới đơn vị cơ sở. Cùng với đó, Công ty đã lập phương án đầu tư viễn thông, CNTT mới trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt để đầu tư thêm trang bị hạ tầng CNTT; nâng cao năng lực vận hành hệ thống trung tâm điều khiển xa; xây dựng mạch vòng cáp quang từ trạm 110kV Nam Ninh (Nam Trực) về thành phố Nam Định. Công ty cũng xây dựng kế hoạch triển khai 10 khóa học theo các chuyên đề trên phần mềm chuyên dụng, thống kê tại thời điểm hiện tại có khoảng hơn 10 nghìn lượt học viên đăng ký học tập; tăng cường tập huấn trực tuyến công tác quản lý vận hành hệ thống điện trên dữ liệu số và an toàn an ninh thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Công ty Điện lực Nam Định đang chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tích cực tham gia công tác chuyển đổi số, tăng cường hơn nữa công tác số hóa quy trình nghiệp vụ, nhất là lĩnh vực kỹ thuật; tạo điều kiện bố trí nguồn vốn để vận hành các phần mềm nguồn mở, ứng dụng CNTT dùng riêng, góp phần đưa Công ty Điện lực Nam Định cơ bản trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025./.
Bài và ảnh: Xuân Thu