Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng các giống hoa có giá trị kinh tế cao

08:03, 28/03/2022

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng, nghề trồng hoa cảnh ở tỉnh ta đã có bước phát triển mới nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đem lại thu nhập cao cho người dân.

Mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định).
Mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định).

Từ cuối năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã hỗ trợ HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) thực hiện dự án KH và CN “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định”. Đây là dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” của Bộ KH và CN. Mục tiêu của dự án là chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình ươm giống và chăm sóc, xử lý ra hoa giống lan Hồ điệp trong nhà lưới hiện đại; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lily, hoa cát tường trong nhà màng; tổ chức đào tạo, tập huấn nhân rộng cho 100 lượt hộ dân địa phương về ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất hoa thương phẩm. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã được tiếp nhận các quy trình kỹ thuật, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án như: xây dựng nhà lưới hiện đại trồng lan Hồ điệp, hoa Lily, hoa cát tường; hệ thống máy lạnh để xử lý ra hoa cho lan Hồ điệp và các thiết bị hiện đại khác. Các mô hình đã đi vào sản xuất được ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến, sử dụng những tiến bộ KHKT về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới của Việt Nam và thế giới đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi cây sinh trưởng và phát triển vượt trội so với những hộ sử dụng giống cũ và kỹ thuật truyền thống. Dự kiến trong 2 năm sản xuất, doanh thu của 3 mô hình trong dự án ước đạt 8,1 tỷ đồng, lãi thuần ước đạt gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình sản xuất hoa trong nhà màng áp dụng công nghệ cao còn nâng cao nhận thức của nhân dân về việc tiếp cận ứng dụng KHKT vào sản xuất, giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Thời gian qua, Sở KH và CN đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp trong tỉnh triển khai các dự án KH và CN, trong đó mục tiêu quan trọng là hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn, tập trung vào việc cải tiến và đổi mới bộ giống, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc sản xuất giống, tạo ra sản phẩm giống hoa chất lượng tốt, hệ số nhân lớn; ứng dụng các công nghệ hiện đại, tự động hóa trong quy trình chăm sóc… Cùng với Sở KH và CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) tìm kiếm, đưa các giống hoa, cây cảnh mới, cao cấp vào trồng tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăm bón, cấy ghép cây cảnh và chuyển giao công nghệ trồng hoa cao cấp cho các hộ dân với các giống cây, hoa mới như: Lily, lan Hồ điệp, thược dược lùn, cát tường, địa lan, loa kèn tứ quý; các loại cây lá màu (tía tô Nhật, hoa sam Nhật, dâu tây, cẩm tú mai, dạ thảo); cỏ trang trí và các loại cây bóng mát nhập ngoại (cây Osaka - muồng Nhật Bản)... Sự nỗ lực của các sở, ngành chức năng đã giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KHKT, sử dụng giống cây hoa mới có giá trị kinh tế cao, sạch bệnh trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm hoa đồng đều, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế lớn so với cách thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, nhiều hộ trồng hoa sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý nên đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Một số hộ còn đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới; hệ thống tưới hiện đại; hệ thống kho lạnh, nhà xưởng để xử lý, bảo quản sản phẩm; sử dụng đèn thắp sáng ruộng hoa, chế phẩm sinh học kích thích cây ra hoa đúng thời điểm… Điều này giúp người sản xuất có thể tăng vụ trồng hoa quanh năm so với trước đây chỉ trồng được trong vụ đông và hè. Từ đó đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, đặc biệt trong những dịp lễ, tết như các ngày: Valentine, Quốc tế Phụ nữ, 20-10, dịp Tết cổ truyền… Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng hoa đã góp phần giúp nghề này phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, từng bước hình thành các vùng trồng hoa lớn. Điển hình là các vùng trồng hoa ở các xã, thị trấn: Hải Hưng, Hải Xuân (Hải Hậu); Nam Mỹ, Nam Toàn, Điền Xá (Nam Trực); Cổ Lễ, Cát Thành, Việt Hùng, Trực Thanh (Trực Ninh)… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000ha đất trồng hoa thời vụ và hoa lâu năm; thu nhập của các hộ trồng hoa đạt bình quân 70 triệu đồng/sào/năm, riêng hoa hồng có thể cho thu nhập đến 100 triệu đồng/sào/năm, cao hơn trồng lúa từ 3-5 lần. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng hoa ở tỉnh ta hiện nay còn tồn tại những khó khăn. Nhiều vùng trồng hoa tập trung chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Các cơ sở trồng hoa mới chỉ chủ yếu dừng ở mức thu hoạch đơn giản mà chưa chú trọng đến ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Công tác tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế. Chưa có nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp…

Để tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ, ứng dụng KHKT vào trồng hoa, thời gian tới, Sở KH và CN cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành tổ chức chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn để giúp nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất. Khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, từng bước gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghệ bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng hoa./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com