Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới nghiên cứu triển khai. Qua đó, đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh). |
Xác định KH và CN là nhiệm vụ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 20-NQ/TW đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền vận động triển khai ứng dụng các tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới tổ chức KHCN, cơ chế hoạt động đặt ra trong Nghị quyết 20 và các Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương khóa XII, Sở KH và CN đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn gồm 7 phòng, đơn vị chuyên môn và 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Với cơ cấu tổ chức mới sẽ đảm bảo tính chủ động trong hoạt động KHCN của đơn vị. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã triển khai trên 110 nhiệm vụ KH và CN theo phương châm “ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, góp phần giúp tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó nổi bật là các đề tài KH và CN: “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH và CN nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới (NTM) tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM tại tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện NTM Hải Hậu, tỉnh Nam Định”. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học đã đưa ra những luận cứ, luận chứng về lý luận và thực tiễn cho thực hiện các chương trình mục tiêu lớn, như xây dựng NTM. Nhờ đó góp phần đưa Nam Định trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng NTM năm 2019, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra; đến hết năm 2021 có 52% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp nhận, ứng dụng trên 100 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất liên kết chuỗi: nuôi cá hồng Mỹ; nuôi tôm hữu cơ; trồng hoa công nghệ cao; giống khoai tây sạch bệnh; trồng rau, củ, quả công nghệ cao… góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2020 tăng bình quân 3,3%/năm. Kinh tế nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng cho kinh tế tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng cho kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai một số đề tài nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; nghiên cứu hướng tới giải quyết vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, lễ hội và thuần phong mỹ tục; đề xuất giải pháp, xây dựng mô hình nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân…
Tiềm lực KH và CN của tỉnh được tăng cường đáng kể từ phát triển đội ngũ cán bộ đến đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, nguồn nhân lực thuộc các tổ chức KH và CN trên địa bàn tỉnh hiện có 182 người hoạt động ở các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, Sở KH và CN đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật các công nghệ mới, nâng cao trình độ về KH và CN cho hơn 100 lượt kỹ thuật viên, 2.000 lượt nông dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Cùng với phát triển nguồn nhân lực KH và CN; hỗ trợ phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ trong xây dựng chính phủ điện tử và giáo dục, Sở KH và CN đã triển khai dự án “Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”, nhằm tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu KH và CN vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và liên kết phát triển kinh tế vùng nói chung. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KH và CN của tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như một số chiến lược và chương trình quốc gia về KH và CN đã ban hành nhưng khó thực thi ở các địa phương do hạn chế nguồn lực; cơ chế tài chính cho hoạt động KH và CN chưa thực sự phù hợp với đặc thù của tỉnh. Mặc dù đã tiếp nhận và ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong sản xuất giống cây, giống con nuôi, tuy nhiên chưa tạo được bước đột phá sản xuất theo chuỗi. Hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường; ứng dụng các thành tựu KH và CN; phát triển doanh nghiệp KH và CN; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn chậm phát triển. Nguồn nhân lực KH và CN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất ít… Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KH và CN của tỉnh.
Thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, ngày 20-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND với mục đích tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết nhằm nâng cao, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hành động về phát triển KH và CN; tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý, tổ chức hoạt động KH và CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH và CN trong nước và khu vực để phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của tỉnh; đẩy mạnh đầu tư, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển tiềm lực KH và CN; phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH và CN, các hoạt động dịch vụ KH và CN và đổi mới công nghệ; đẩy mạnh liên kết và mở rộng hợp tác quốc tế về KH và CN có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên.
Thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở KH và CN tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực của KH và CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định KH và CN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH và CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương, đơn vị./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh