Khai thác kim loại hiếm dưới biển bằng robot hút bụi

05:09, 02/09/2021

Công ty khởi nghiệp đến từ Vancouver dự định sử dụng robot hút bụi khổng lồ hút đất đá giàu kim loại và chuyển lên mặt nước để khai thác.

Trong tình hình thế giới chuyển dần sang phương tiện điện (EV) để giảm lượng khí thải carbon, một thách thức lớn chưa được giải quyết có thể khiến nỗ lực điện hóa giao thông bị đình trệ. Pin EV sử dụng kim loại hiếm khai thác theo hướng kém bền vững. Công ty Metals ở Vancouver hướng tới sử dụng robot tiên tiến để khai thác kim loại hiếm dưới biển.

Thiết kế robot thu gom khoáng sản của Metals. (Ảnh: Metals)
Thiết kế robot thu gom khoáng sản của Metals. (Ảnh: Metals)

Là nguồn cung cấp năng lượng cho phương tiện điện, bộ pin cần sạc được nhiều lần, chứa lượng điện lớn, nhẹ và sạc nhanh hết mức có thể. Những loại pin thế hệ cũ như pin làm từ chì không đáp ứng các tiêu chí trên và phần lớn nỗ lực phát triển pin tập trung vào pin lithium - ion. Ngoài lithium, bộ pin cũng cần nhiều nguyên tố hiếm khác như nickel, coban, mangan hiện nay chủ yếu lấy từ lòng đất.

Trong khi giới khoa học đang nghiên cứu phương pháp thay thế để cấp điện cho bộ pin, áp lực chuyển sang những phương tiện giao thông thải ít carbon hơn ngày càng cao. Công ty Metals Company tìm ra giải pháp thay thế thông qua đào kim loại ở độ sâu cả nghìn mét dưới nước.

Ở giữa Thái Bình Dương, cách bờ biển Hawaii 800 km là vùng Clarion Clipperton, nơi có những mỏ lớn nhất thế giới, chứa nhiều kim loại khác nhau như sắt và mangan hydroxit cùng với đồng, nickel và coban. Theo ước tính từ công ty Metals, các mỏ quặng có thể giúp cung cấp điện cho 280 triệu xe điện, chiếm 1/4 nhu cầu EV trên toàn cầu.

Thay vì sử dụng phương pháp truyền thống như dùng chất nổ hoặc đào để tiếp cận khoáng sản, công ty lên kế hoạch sử dụng robot hút bụi khổng lồ thu gom đá để giảm thiểu tác động tới đáy biển. Robot sẽ bơm đá lên phương tiện hỗ trợ sản xuất nổi trên mặt biển. Quá trình lọc khoáng sản từ đá sẽ được xử lý tại cơ sở ngoài khơi. Phiên bản thế hệ đầu tiên của robot đang được chế tạo và sẽ thử nghiệm vào năm sau. Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cách tiếp cận tốt hơn với những kim loại hiếm có nhu cầu sử dụng cao.

Theo khoahoc.tv

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com