Phát huy tính thiết thực, hiệu quả trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ

07:08, 17/08/2021

Những năm qua, việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến tính thiết thực, hiệu quả và đạt được một số kết quả tích cực. Các chương trình, đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH  và CN đã bám sát và phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty CP Kết cấu thép Việt Thắng (Nam Trực).
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty CP Kết cấu thép Việt Thắng (Nam Trực).

Tại huyện Mỹ Lộc, qua thực hiện nhiệm vụ KHCN đã bổ sung được nhiều giống lúa có ưu điểm vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Điển hình là các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: Hồng Đức 9,  Kim Cương 111, Dự hương, Tám nhiệt đới, Nàng Xuân… được nhân rộng ra đại trà, giúp tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Nhận hỗ trợ từ Tổ chức FAO, từ năm 2020, Mỹ Lộc đã triển khai dự án ứng dụng phần mềm tin học vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm. Qua đó, đã giúp huyện cập nhật dữ liệu thông tin của cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn gắn với mã định danh, tạo tiền đề cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết lập mô hình chuỗi giá trị sản phẩm từ gia cầm. Đồng thời giúp hộ chăn nuôi gia cầm quảng bá thông tin, kết nối với thị trường. Từ tháng 4-2021, Công ty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) triển khai đề tài mô hình trồng thanh long vỏ vàng ruột thạch hướng tới xuất khẩu. Ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc Công ty cho biết: Đây là giống thanh long mới có nguồn gốc từ Ecuador (một quốc gia ở Trung Mỹ), còn có tên gọi là thanh long tổ yến. Do là giống mới nên ít người trồng, sản lượng không đủ trên thị trường thế giới, ngay cả thị trường trong nước cũng không đủ bán nên giá rất cao. Hiện Công ty đầu tư hệ thống tưới tự động để trồng 2ha thanh long vỏ vàng ruột thạch theo hướng hữu cơ. Trong suốt quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho thanh long. “Đạt chuẩn hữu cơ thì quả thanh long sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính trên thế giới, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm. Hiện tại, Công ty đã liên kết với một doanh nghiệp của Thái Lan từ khâu cung cấp giống đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho Công ty. Dự kiến thời gian tới Công ty sẽ mở rộng diện tích trồng thanh long vỏ vàng ruột thạch lên 20ha và hướng tới thị trường xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ” - ông Lưu cho biết thêm. Ngoài trồng thanh long, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, hiện Công ty đang sản xuất các sản phẩm tinh bột, nước rau má, nước ngải cứu, bột cần tây… cho hiệu quả cao.

Để các nhiệm vụ KH và CN phát huy hiệu quả thiết thực dựa trên sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ KH và CN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và những yêu cầu bức xúc đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống, Sở KH và CN đã có công văn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Đây là tiền đề rất quan trọng để đưa KH và CN phục vụ sát với thực tế sản xuất và đời sống, nhân rộng mô hình có hiệu quả giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu. Trên cơ sở đăng ký, đặt hàng của các tổ chức, cá nhân, Sở KH và CN tổng hợp và tổ chức xác định nhiệm vụ KHCN thông qua phiên họp của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN có tính khả thi trong ứng dụng, đảm bảo được tính mới, tính khoa học, tính thực tiễn, cấp thiết tại địa phương. Từ kết quả đó, Sở tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định về phê duyệt danh mục các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, thẩm định, phê duyệt kinh phí và phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ KHCN để tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả. Hàng năm, Sở tổ chức bàn giao kết quả sản phẩm nhiệm vụ KHCN để các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp nhận chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Như vậy, với quá trình đặt hàng, đề xuất, tổ chức, bàn giao nhiệm vụ KHCN này, các nhiệm vụ KHCN ngày càng đi vào trọng tâm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về những vấn đề cần KHCN giải quyết tại các sở, ngành, địa phương và việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã thực hiện 120 nhiệm vụ KH và CN, tập trung nghiên cứu và chuyển giao, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp xây dựng, công nghệ thông tin, tài nguyên và môi trường, y dược, khoa học xã hội và nhân văn... Đặc biệt, trong từng lĩnh vực y dược đã chuyển giao và ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, phức tạp trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện... Cụ thể là kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật u não, cột sống, tán sỏi Laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật kết hợp xương, cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ, mổ lấy thai lần 2 trở lên, chụp cắt lớp, phẫu thuật nội soi tiêu hoá, chạy thận nhân tạo, xét nghiệm tìm tế bào ung thư… tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề tài “Phục tráng và sản xuất hạt giống lúa Tám ấp bẹ đạt cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng cung cấp cho sản xuất đại trà” đã đào tạo, chuyển giao quy trình sản xuất cho hơn 300 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; dự án “Ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt, bảo quản, chế biến khoai tây thương phẩm trong mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất khoai tây tại Nam Định” đã xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất khoai tây giữa Công ty TNHH Minh Dương và 2 xã Yên Lương (Ý Yên), Nam Hùng (Nam Trực) tạo ra các sản phẩm khoai tây vị tự nhiên, khoai tây lắc vị phô mai, khoai tây sấy góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường.

Để nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KHCN, thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của hoạt động KHCN. Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động KH và CN, phát động phong trào ứng dụng các thành tựu khoa học, góp phần đưa tri thức KH và CN thực sự đi vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com