Cơ quan Khám phá Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lên kế hoạch mang mẫu vật từ mặt trăng Phobos về Trái Đất nhằm nghiên cứu nguồn gốc của sao Hỏa.
Mặt trăng Phobos của sao Hỏa. Ảnh: NASA |
JAXA sẽ phóng tàu khám phá năm 2024 để hạ cánh trên mặt trăng Phobos của sao Hỏa để thu thập 10 g đất và mang về Trái Đất năm 2029. Chuyến bay khứ hồi sẽ giúp Nhật vượt qua Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua lấy mẫu vật từ khu vực sao Hỏa dù bắt đầu muộn hơn, theo quản lý dự án Yasuhiro Kawakatsu.
Robot tự hành Perseverance của NASA đang hoạt động ở một miệng hố sao Hỏa nhằm thu thập 31 mẫu vật để đưa về Trái Đất với sự hỗ trợ từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu sớm nhất năm 2031. Trung Quốc đưa tàu vũ trụ đáp xuống sao Hỏa hồi tháng 5 và dự kiến mang mẫu vật về năm 2030. Các nhà khoa học JAXA tính toán khoảng 0,1% đất bề mặt trên Phobos đến từ sao Hỏa, trong 10 gram đất có thể chứa khoảng 30 hạt, tùy theo độ kết dính của đất.
Tomohiro Usui, giáo sư ở Viện Khoa học Hàng không và Vũ trụ, cho biết đất trên Phobos nhiều khả năng là hỗn hợp vật chất từ chính mặt trăng này và vật chất từ sao Hỏa phát tán do bão cát. Việc thu thập mẫu vật từ nhiều nơi trên Phobos có thể làm tăng cơ hội thu thập dấu vết của sự sống từ sao Hỏa thay vì lấy mẫu đất từ một địa điểm trên hành tinh đỏ.
Bất kỳ dạng sống nào có thể đến từ sao Hỏa đều sẽ chết do bức xạ Mặt Trời và bức xạ vũ trụ cực mạnh trên mặt trăng Phobos. Nhiệm vụ của NASA và ESA tập trung vào những dạng sống tiềm năng và quá trình tiến hóa ở khu vực miệng hố Jezero, một hồ nước cổ đại. Bằng cách nghiên cứu mẫu vật đất ở Phobos, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm hiểu về sự tiến hóa của sinh quyển sao Hỏa. Nghiên cứu của Nhật Bản đối với mặt trăng Phobos và nghiên cứu của NASA về mẫu vật ở miệng hố Jezero có thể bổ trợ cho nhau, giúp trả lời những câu hỏi như sự sống sao Hỏa hình thành như thế nào (nếu có).
Tháng 12/2020, tàu thăm dò Hayabusa2 mang về hơn 5 g đất từ tiểu hành tinh Ryugu cách Trái Đất hơn 300 triệu km.
Theo vnexpress.net