Tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh với diện tích nuôi thả trên 800ha. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất, thâm canh hóa nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phát sinh nhiều mầm bệnh nguy hiểm đe dọa đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Nhằm hướng đến phát triển nuôi tôm bền vững, nhiều mô hình, giải pháp đã được triển khai như: nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến… Trong đó nổi bật hiện nay là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, khu 2, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) khi rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu rủi ro, chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích.
Mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, khu 2, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Bằng giới thiệu công nghệ nuôi tôm bằng vi sinh Biofloc mà ông học hỏi được từ nghiên cứu tài liệu và tham quan thực tế tại Bạc Liêu, Phú Yên… Từ năm 2014 ông vừa nghiên cứu vừa áp dụng kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn cho phù hợp với thực tế từng vụ; đến năm 2016, trang trại của ông đã hoàn thiện quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc. Theo đó, tại vùng nuôi tôm 3ha, ông Bằng thiết kế 4 bể ương nuôi có trải bạt đáy với thể tích mỗi bể chứa 50m3 nước. Để thực hiện nuôi giai đoạn 1 hoàn toàn theo công nghệ Biofloc; 4 ao nuôi có diện tích 250m2 nuôi tôm ở giai đoạn 2 theo công nghệ bán Biofloc và ít thay nước; hệ thống ao nuôi to ở giai đoạn 3 nuôi theo công nghệ thay nước hoàn toàn bằng phương pháp xả ống. Theo ông Bằng, Biofloc là hỗn hợp của vi khuẩn dị dưỡng, mùn và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm, các mảnh vụn thức ăn dư thừa, xác động vật (tôm). Mỗi hạt floc được gắn kết với nhau trong một ma trận lỏng lẻo bởi các chất nhờn tiết ra từ vi khuẩn, chúng bị ràng buộc bởi các vi sinh vật dạng sợi. Biofloc có 2 vai trò quan trọng là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm sử dụng. Ở giai đoạn 1 ông Bằng thả vào bể ương tôm giống P12 với mật độ dày 5.000 con/m3 với nước nuôi từ bể lắng đưa vào được xử lý diệt khuẩn triệt để. Ở giai đoạn này, trước khi bắt đầu nuôi do chưa có phân tôm, thức ăn dư thừa và xác tôm chết nên ông Bằng đã sử dụng hỗn hợp nước, vi sinh và cám gạo để tạo Biofloc đưa vào bể ương. Dùng quạt và sục khí liên tục để Biofloc phát triển ức chế vi sinh vật gây bệnh… Đây là yếu tố quan trọng để giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Hệ thống Biofloc trong giai đoạn này không thay nước, việc xử lý chất thải được thực hiện ngay bên trong hệ thống nhờ vai trò của các vi sinh vật dị dưỡng chuyển hóa chất dinh dưỡng từ nguồn phân thải của tôm, thức ăn dư thừa thành các hạt floc lơ lửng trong môi trường nuôi. Đây là nguồn protein có độ đạm lên tới 40-50% làm thức ăn cho tôm. Sau khoảng 15-20 ngày, tôm đạt kích cỡ 2.000 con/kg, mỗi bể chứa gồm tôm nuôi và hệ thống Biofloc được san toàn bộ xuống ao nuôi có diện tích 250m2 ở giai đoạn 2 được thiết kế mái che để giữ nhiệt độ, tránh thời tiết bất thuận. Giai đoạn này được nuôi theo công nghệ bán Biofloc khi cho tôm ăn bổ sung cám và hạt Biofloc, nước được thay ở mức độ vừa phải để duy trì hệ thống Biofloc. Sau 1 tháng, tôm đạt kích cỡ 150-200 con/kg thì chuyển sang hệ thống ao to nuôi thay nước hoàn toàn đến khi tôm đạt 50-60 con/kg là xuất bán.
Ông Bằng cho biết: Nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc đặc biệt ở 2 giai đoạn đầu giúp người nuôi có thể tăng mật độ dày lên siêu thâm canh so với phương pháp thả trực tiếp. Bên cạnh đó, việc nuôi ở bể ương và ao nhỏ giúp giảm chi phí nhân công cho ăn, giảm thời gian giám sát tôm kéo theo giảm các chi phí sản xuất khác như tiền điện chạy máy sục oxy, quạt nước so với nuôi ở ao to 1 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu nuôi ở diện tích ao nhỏ giúp người nuôi có thể áp dụng nuôi công nghệ cao, tiết kiệm được chi phí đầu tư như: trong nhà vòm, nhà lưới, nhà kính… để hạn chế dịch bệnh, thời tiết bất thuận, giữ nhiệt độ ổn định giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh hơn so với nuôi ngoài trời. Ngoài ra, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc tôm được ăn các hạt floc giúp người nuôi làm giảm chi phí thức ăn; vi khuẩn có lợi trong Biofloc giúp tôm tránh được các bệnh rất hay mắc phải trong giai đoạn 25-40 ngày tuổi như: bệnh gan tụy, hội chứng tôm chết sớm… Kích cỡ tôm khi thu hoạch sạch và đẹp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng “khó tính” và khắt khe của thị trường. Đặc biệt trong quá trình ở giai đoạn bể ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn. Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc hạn chế việc xả thải nước ra môi trường ở 2 giai đoạn đầu. Ở giai đoạn 3, nước có sẵn vi sinh nên rất sạch, toàn bộ nước từ đáy áo được xả ống ra ao chung chứa chất thải. Nước trong ao chứa sẽ được xả thải ra môi trường, còn các tạp chất, chất rắn lắng xuống đáy được bơm sang ao đất nuôi cá rô phi xử lý triệt để hạn chế ô nhiễm môi trường và vùng nuôi. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc, mỗi vụ ông Bằng nuôi thả hơn 1 triệu con giống và sau 85-90 ngày là tôm đã có thể cho thu hoạch. Do vậy, một năm ông nuôi được 3 vụ, sản lượng bình quân mỗi năm đạt 40-60 tấn tôm, lãi 1,5-2 tỷ đồng/năm.
Có thể khẳng định, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng đạt hiệu quả cao, phù hợp với môi trường nuôi tôm; tạo điều kiện cho các hộ nuôi sản xuất nhiều vụ trong năm; giảm chi phí sản xuất, sản phẩm tôm sạch; giảm rủi ro so với các mô hình nuôi tôm trước đây. Phương thức nuôi tôm mới này cần được nghiên cứu, nhân rộng để phát triển nuôi tôm thâm canh bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh