Để nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh tăng giá trị, hiệu quả kinh tế và bắt nhịp với nhu cầu tiêu dùng của người dân, Đảng ủy, UBND xã Nam Phong (TP Nam Định) đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.
|
Chăm sóc hoa cúc tại thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong. |
Nhằm tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Đảng ủy, UBND xã Nam Phong tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ chuyển giao KHKT từ các doanh nghiệp sản xuất giống cây, con, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, Trung tâm học tập cộng đồng xã, HTXDVNN tích cực phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tập huấn, chuyển giao, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào các khâu sản xuất, làm chủ công nghệ, chủ động lách thời tiết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp đối với từng loại cây trồng cho các hộ dân trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn. Với trình độ thâm canh cao, từ xa xưa, người dân Nam Phong đã trồng được nhiều loại hoa, cây cảnh truyền thống như: đào, quất; thược dược, đồng tiền, cúc vạn thọ, cẩm chướng, hồng, huệ… Đến nay, vẫn với những giống hoa đó nhưng người dân Nam Phong đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu làm đất, ươm giống, chăm bón, điều tiết ánh sáng để chủ động thời gian ra hoa mà cây vẫn khỏe, đẹp. Trong đó riêng hoa cúc người dân trồng được hàng chục loại khác nhau như: cúc Nhật, Hà Lan, cúc tuyết, cúc họa mi, cúc xinh… Tất cả các loại cúc đều được áp dụng công nghệ xử lý quang gián đoạn (thắp đèn trên ruộng hoa) để kích thích cây hoa phát triển, ngăn cản hiện tượng nở hoa sớm và làm giàn giữ cho thân cây mọc thẳng, không bị đổ ngã trong suốt quá trình sinh trưởng. Với cách làm này, người trồng hoa điều tiết được thời điểm ra hoa; hoa cúc khi thu hoạch có bộ lá xanh, thân cành to, khỏe và sắc hoa thắm đượm. Bên cạnh đó tùy vào từng giống cúc một bông hay cúc chùm mà người trồng hoa Nam Phong áp dụng công thức tỉa hoa, ngắt nụ cho phù hợp nhất. Trong đó đối với nhóm hoa cúc một bông, ngoài quy trình kỹ thuật chăm bón thông thường, người làm vườn phải dùng tay nhẹ nhàng tỉa bỏ các cành nhánh phụ, nụ con, chỉ để một nụ to trên thân chính. Đối với cúc hoa chùm, các cành tăm, cành mọc gần sát gốc cây sẽ được tỉa bớt và nụ chính sẽ phải ngắt bỏ để các nụ bên phát triển đồng đều. Với cách làm này toàn bộ chất dinh dưỡng cây hấp thụ được trong đất được tập trung nuôi phần chính của cây giúp cho hoa to, đẹp hơn, sắc thắm hơn. Bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ KHKT nâng cao chất lượng các giống hoa truyền thống, người trồng hoa Nam Phong còn phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đưa thêm nhiều giống hoa mới như hoa ly, hồng thơm, vàng anh, thạch thảo, hướng dương, bách nhật, chuối rừng vào trồng đáp ứng nhu cầu thị hiếu thị trường. Ông Đinh Xuân Thiện, xóm Mỹ Tiến là người đầu tiên ở Nam Phong mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại hoa cao cấp: hoa ly, hoa tuy-líp và đồng tiền Hà Lan. Ông cho biết, so với trồng các loại hoa truyền thống, hoa ly, hoa tuy-líp có xuất xứ từ Hà Lan, là giống hoa ưa thời tiết lạnh nên mỗi năm chỉ trồng được duy nhất một vụ. Yêu cầu kỹ thuật chăm bón phức tạp, các công đoạn chăm sóc rất tỉ mỉ như hoa ly phải có mái che mưa, hạn chế ánh sáng trực tiếp. Muốn chủ động thời gian thu hoạch nhất thiết phải dùng ni lông quây kín, thắp điện vào ban đêm để tăng nhiệt độ, hạn chế tưới nước để kéo dài thời gian phát triển của cây; nếu muốn hoa nở muộn phải cho hoa vào kho lạnh hoặc điều chỉnh nhiệt độ khu vực trồng hoa. Đặc biệt phải tuân thủ nghiêm túc quy trình trồng hoa ly luân canh với lúa nước hoặc cây ngũ cốc, không trồng trên chân đất vụ trước trồng cây cùng họ (hành, tỏi, hoa lay ơn, hoa huệ...) hoặc trên chân đất vụ trước trồng loại cây bón nhiều phân, phun nhiều thuốc phòng trừ sâu bệnh (hoa đồng tiền, hoa cúc, rau màu...). Đầu tư trồng những giống hoa này có chi phí khoảng 90-100 triệu đồng/vụ, cao gấp 18-20 lần so với các loại hoa truyền thống. Tuy nhiên khi đã áp dụng thành thục các quy trình kỹ thuật trồng các giống hoa mới thì giá trị thu nhập mang lại cho người nông dân rất cao. Thực tế tại gia đình ông Thiện, trung bình mỗi sào trồng hoa ly, hoa tuy-líp cho thu nhập 150-200 triệu đồng/vụ. Tiên phong trong việc đưa các giống hoa mới về trồng, gia đình ông còn là địa chỉ tin cậy để người dân trong vùng đến học hỏi tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng hoa. Nhiều gia đình ở địa phương có kinh tế khá giả nhờ việc học hỏi và ứng dụng tốt kinh nghiệm sản xuất của gia đình ông. Song song với trồng hoa, trồng quất cảnh dù là nghề lâu đời cũng được người dân đặc biệt chú trọng tham khảo, ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăm bón, uốn cành, tỉa lá, chuyền bầu… nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở Nam Phong hiện có hơn 80% hộ gia đình trồng quất cảnh, nhờ cây quất mà nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành triệu phú. Trung bình mỗi hộ dân trồng quất thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình đã giàu có và nổi tiếng với nghề trồng quất như gia đình các ông: Đoàn Huy Bé, xóm Nam Hùng I, Vũ Công Dũng và Vũ Công Bằng, xóm Cộng Hòa… Với tư duy tiếp cận khoa học nhanh, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhân rộng ra sản xuất đại trà để nâng cao hiệu quả lao động, khai thác tối đa nguồn lợi tự nhiên, Nam Phong đã được mệnh danh là thủ phủ quất cảnh của miền Bắc; bình quân đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha đất canh tác. Đặc biệt khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thu nhập bình quân tới 432 triệu đồng/ha.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xã Nam Phong tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vai trò KHKT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người dân quan tâm tìm hiểu và ứng dụng. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và khuyến khích người dân tham khảo, tổ chức nhân ra diện rộng những mô hình hiệu quả./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương