Lao động sáng tạo - đường tới thành công

10:04, 29/04/2016
Trong không khí thi đua lao động sản xuất chào mừng Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, gần 80 cán bộ, CNVC lao động trong toàn tỉnh vinh dự được nhận giải thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa lao động cấp tỉnh. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước, lao động sản xuất nhằm hướng đến mục tiêu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả kinh tế cao. Những sáng tạo KHKT đã mang lại giá trị thực tiễn cao, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho các cơ quan, đơn vị. Điều quan trọng hơn từ những sáng tạo này đã có tác động mạnh mẽ thôi thúc niềm đam mê sáng tạo của cả cộng đồng góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Điểm mới trong công tác sáng tạo trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua là phạm vi nghiên cứu được mở rộng ở đa dạng lĩnh vực quản lý Nhà nước, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, quân sự, công nghệ thông tin. Trong đó những sáng tạo trong công tác quản lý Nhà nước khi áp dụng vào thực tế đã tạo hiệu ứng sâu rộng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có tác động xã hội lớn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền cũng như đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách hành chính ở cơ sở. Giải pháp “Ban hành tiêu chí và chỉ đạo xây dựng xóm, tổ dân phố, gia đình NTM” của tác giả Phạm Văn Chiến, UBND huyện Hải Hậu được hình thành trong quá trình chỉ đạo thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là xây dựng NTM. Nếu như các địa phương khác chỉ chọn một số đơn vị làm điểm thì huyện Hải Hậu lại đăng ký 100% số xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM ngay giai đoạn 2010-2015. Đây là một chủ trương lớn nhưng khá mới, việc thực hiện thành công phụ thuộc nhiều vào cả cách nhận thức vấn đề và triển khai thực hiện. Làm thế nào để các xã, thị trấn thống nhất cách làm có hiệu quả nhất. Từ những trăn trở đó, tác giả đã cùng tập thể lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện tìm ra cách làm phù hợp. Đó là cụ thể hóa các tiêu chí của Trung ương, của tỉnh và điều kiện thực tế tại địa phương để ban hành bộ tiêu chí áp dụng cho các gia đình, tổ dân phố, thôn xóm trên địa bàn huyện. Với 12 tiêu chí, NTM sát với thực tế ở địa phương, phù hợp với tập tục sinh hoạt, điều kiện sản xuất của địa phương nên người dân dễ dàng áp dụng. Do đó việc triển khai xây dựng NTM theo phương châm “làm từ nhà ra đồng” của huyện Hải Hậu nhanh chóng được thực hiện, góp phần quan trọng vào thành công trong xây dựng NTM của huyện. Giải pháp “Nâng cao chất lượng và hiệu quả việc đánh giá, phân loại công chức bằng phương pháp định lượng các tiêu chí tại Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định” của tác giả Trần Mạnh Tiến - Phòng Kinh tế thành phố đưa ra phương án đánh giá công chức dựa trên các tiêu chí định lượng nhiệm vụ cụ thể đối với từng vị trí công việc, yêu cầu và trách nhiệm cơ quan, đơn vị phân công rõ ràng, cụ thể cho người công chức; sản phẩm công tác cụ thể của mỗi một chức danh, một người công chức trong thời gian đánh giá (tháng, quý, năm)… Cách làm này đã giúp lãnh đạo cơ quan dễ dàng phân loại, đánh giá công chức cũng như giúp CBCC tự kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của bản thân, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giải pháp này nhanh chóng được các phòng chức năng của thành phố học tập áp dụng để đánh giá công chức một cách hiệu quả, khoa học và khách quan nhất. Trong lĩnh vực GD và ĐT, các tác giả đã có nhiều sáng tạo cải tiến, áp dụng các phương pháp dạy học mới, thiết kế thiết bị, đồ dùng dạy và học, cải tiến phương pháp quản lý trong trường học… góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập của cán bộ quản lý và giáo viên trong các nhà trường, tích cực giữ vững chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Tiêu biểu như các giải pháp: “Dạy toán THPT theo năng lực hướng tới bài thi tuyển sinh tư duy định lượng vào Đại học Quốc gia Hà Nội” của tác giả Tô Thị Liên, Trường THPT Trực Ninh B; “Hệ thống hóa lý thuyết và bài tập phần lý thuyết tương đối hẹp” của tác giả Nguyễn Văn Huyên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; “Đổi mới phương pháp dạy học chủ đề ca dao - dân ca theo định hướng phát triển năng lực học sinh” của tác giả Hoàng Thị Minh Nguyệt, Trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định); “Xây dựng nội dung chương trình địa phương môn ngữ văn phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh” của tác giả Đặng Thị Kim Quy, Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định)…
Tác giả Đặng Thanh Tú (bên phải) điều khiển thiết bị dò mìn tự tạo tại thực địa.
Tác giả Đặng Thanh Tú (bên phải) điều khiển thiết bị dò mìn tự tạo tại thực địa.
Cùng với những giải pháp sáng tạo trong công tác quản lý, trong lĩnh vực sản xuất cũng xuất hiện nhiều sáng tạo mang tính đột phá góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như các giải pháp: “Điều hành tưới nhanh, tiêu nhanh” của tác giả Nguyễn Thị Bích - Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy; “Bù công suất phản kháng, nâng cao hiệu suất làm việc các máy bơm tại trạm bơm Kênh Gia và Quán Chuột”; “Cải tiến các hoạt động tư vấn cho bệnh nhân AIDS, tuân thủ điều trị thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu” của tác giả Đỗ Văn Vận, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu… Đặc biệt nhiều tác giả nghiên cứu chế tạo những sản phẩm máy móc thiết bị có thể thay thế cho sản phẩm nhập ngoại phục vụ các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Trong đó, tác giả Đặng Thanh Tú, Ban CHQS xã Mỹ Xá (TP Nam Định) đã chế tạo thành công “Thiết bị dò mìn tự tạo”. Xuất phát từ ý tưởng chế tạo ra thiết bị dò mìn làm công cụ thực hành trong huấn luyện và rà soát lại những vị trí có nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, anh Tú đã ứng dụng cơ chế hoạt động thu, phát từ trường của cuộn dây đồng để thu trường cảm ứng trong vùng không gian, dò tìm hiệu dụng của đầu dò. Khi gặp kim loại có độ dẫn điện, thiết bị sẽ phát tín hiệu; khối lượng hay mật độ kim loại càng nhiều thì tín hiệu phát ra càng lớn. Độ sâu mà thiết bị tìm kiếm được trong lòng đất đạt đến mức 1,5m. Đặc biệt, tác giả còn gắn thêm tai nghe vào thiết bị để tín hiệu chỉ truyền phát đến người được chỉ định nhận dạng nhằm đảm bảo an toàn thông tin khi hoạt động trong điều kiện bí mật. Thiết bị này đã được Cục Khoa học công nghệ Bộ Quốc phòng chứng nhận, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và nhiều ban, ngành chức năng tặng Bằng khen. Hiệu quả của sáng chế đã vượt qua mục tiêu ban đầu là chế tạo mô hình học cụ, thiết bị dò mìn tự tạo của tác giả Đặng Thanh Tú đã được ứng dụng vào việc dò tìm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở địa phương cũng như hỗ trợ tầm soát bom mìn, vật liệu nổ làm sạch mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. 
 
Hăng say lao động, đam mê sáng tạo để phục vụ nhân dân, phụng sự quê hương, đất nước tốt hơn, sản xuất hiệu quả hơn đã trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức, người lao động. “Lao động là vinh quang - Lao động là sáng tạo”. Khẩu hiệu hành động ấy đã và đang được những cán bộ, CNVCLĐ tỉnh nhà tích cực hưởng ứng thực hiện. Chính tinh thần cống hiến hết mình cho công việc đã làm nên nét tài hoa của người lao động tỉnh ta trong đội ngũ triệu triệu người lao động trên toàn quốc./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com