Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học cấp cơ sở

07:04, 07/04/2016

Tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) cơ sở có ý nghĩa quan trọng để tăng nhanh hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất… Thời gian qua mặc dù đã nỗ lực đổi mới nhưng hoạt động KHCN cấp cơ sở ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại cần giải quyết về nhân lực, cơ chế phương thức hoạt động…

Năm 2015, hoạt động KHCN cấp cơ sở được các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BKHCN-BNV của liên Bộ KH và CN, Nội vụ ngày 15-10-2015 quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KHCN thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh và hướng dẫn của Sở KH và CN. Do đó hoạt động KHCN cấp cơ sở đã dần đi vào nền nếp. Về nhân sự, cả 10 huyện, thành phố đã bố trí 1 đồng chí lãnh đạo Phòng Công thương (Phòng Kinh tế) và 1 đồng chí chuyên viên phụ trách công tác quản lý KHCN; kiện toàn Hội đồng KHCN các huyện, thành phố, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch và các hoạt động KHCN trong năm. Với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng KHCN, Phòng Công thương (Phòng Kinh tế) các huyện, thành phố đã tham mưu cho Hội đồng KHCN địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn đề xuất nhiệm vụ KHCN; công tác phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008; thanh, kiểm tra hàng hóa đóng gói sẵn, xăng dầu và các hoạt động khác có liên quan trên địa bàn… Phối hợp với Đài phát thanh huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền 27 đợt phổ biến quy định về quản lý đo lường kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức; các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn về phát triển KHCN. Đặc biệt quan tâm triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các tiến bộ KHCN. Toàn tỉnh đã thực hiện hơn 40 nhiệm vụ KHCN ứng dụng vào thực tế công tác quản lý Nhà nước và sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN.

Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau sạch tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau sạch tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Nhận thức rõ những tồn tại bất cập trong hoạt động KHCN cấp cơ sở, Sở KH và CN đã triển khai nhiều giải pháp như tăng chi ngân sách trong nhiệm vụ hoạt động thường xuyên cho KHCN, tham mưu cho UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch dự toán và phân bổ tài chính; tập trung đào tạo và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý KHCN cơ sở. Tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ quản lý KHCN cấp cơ sở. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý KHCN cấp huyện tham gia các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề KHCN trên địa bàn để nắm bắt kịp thời tình hình. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở với Phòng Công thương (Phòng Kinh tế) các huyện, thành phố trong triển khai kế hoạch hoạt động KHCN từng lĩnh vực chuyên môn. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động KHCN và phân bổ các đề tài, dự án KHCN cấp huyện để giải quyết kịp thời những yêu cầu thực tế đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong năm 2015, Sở KH và CN đã tập trung đưa cán bộ phụ trách KHCN cấp cơ sở của cả 10 huyện, thành phố tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu do Bộ KH và CN tổ chức. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn về: tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ; đề xuất và quản lý các nhiệm vụ KHCN; viết đề tài sáng kiến… Đây là những tiền đề cơ bản giúp các cán bộ phụ trách KHCN cấp cơ sở có đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt là có thể đề xuất nhiệm vụ KHCN sát với thực tế, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ sự hỗ trợ kịp thời này, hoạt động KHCN ở nhiều huyện, thành phố đã khởi sắc. Huyện Mỹ Lộc vốn được xếp vào diện yếu trong toàn tỉnh, sau khi áp dụng bài bản các giải pháp hỗ trợ của Sở KH và CN cũng như sự nỗ lực đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ huyện về vai trò KHCN, hoạt động KHCN đã mang lại hiệu quả cao. Năm 2015, Hội đồng KHCN của huyện đã được kiện toàn, đề ra nội dung, quy chế hoạt động cụ thể đối với từng lĩnh vực; phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra các nhóm hàng hóa chuyên ngành KHCN quản lý như xăng dầu, hàng đóng gói sẵn. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc chuyên môn tại các phòng nghiệp vụ và khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất những sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh cao. Trong năm, cán bộ, CCVC huyện có 2 sáng kiến xuất sắc đạt giải cấp tỉnh. Huyện Nghĩa Hưng là đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ nghiên cứu triển khai các dự án KHCN vào sản xuất. Năm 2015, từ nguồn vốn KHCN, huyện hỗ trợ 9 dự án phát triển kinh tế gồm: Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng một số cây thuốc nam như Đương quy, Ngưu tất; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chét vụ mùa - lúa thu đông; kỹ thuật sản xuất lúa tái sinh vụ mùa và bí xanh vụ thu đông; so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội của cây cà chua, bí đỏ, bí xanh vụ đông trên đất 2 lúa; khảo nghiệm trồng cây đậu cô-ve lùn, dưa lê siêu ngọt và dưa chuột vụ đông trên đất 2 lúa… Kết quả những dự án này là cơ sở để huyện Nghĩa Hưng định hướng, quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng những kỹ thuật mới vào canh tác đại trà. Kết quả của hoạt động KHCN đã tạo được khí thế thi đua lao động sáng tạo, khuyến khích việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mặc dù có nhiều đổi mới so với những năm trước nhưng thực tế tác động của hoạt động KHCN với cuộc sống, lao động sản xuất của người dân ở cơ sở chưa rõ nét, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thông tin KHCN chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Công tác quản lý Nhà nước về KHCN ở một số huyện chưa thật sự chủ động mà vẫn còn bị động, phụ thuộc vào các chương trình phối hợp của các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở KH và CN. Nhiều nội dung hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch chứ chưa được triển khai, dẫn đến hiệu quả tác động của KHCN còn rất thấp. Nhiều đơn vị không giải ngân hết nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN. Bộ máy, cán bộ quản lý hoạt động KHCN cấp huyện mặc dù có một lãnh đạo Phòng Công thương phụ trách và có chuyên viên nhưng người này vẫn phải kiêm nhiệm nhiều công việc của ngành khác nên hạn chế thời gian đầu tư cho hoạt động chuyên môn. Thậm chí ở nhiều địa phương, cán bộ được bố trí làm việc chưa quá 6 tháng đã phải luân chuyển sang làm công việc khác, gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ chuyên môn và lãng phí công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ... Nguyên nhân của những tồn tại này được xác định là do cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở vẫn chưa quan tâm nhiều đến hoạt động KHCN trên địa bàn, chưa thấy rõ vai trò của KHCN trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều cán bộ chuyên trách kiến thức chưa sâu, chưa nắm chắc về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý để vận dụng một cách đồng bộ, có hiệu quả. Việc triển khai các mô hình, ứng dụng đề tài KHCN vào các thành phần kinh tế, cơ quan, doanh nghiệp... phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của người lãnh đạo trong khi ở nhiều cơ quan, đơn vị người lãnh đạo còn khá thờ ơ với hoạt động KHCN. Sự phối hợp trong công tác quản lý KHCN giữa các phòng chuyên môn của Sở KH và CN với phòng chuyên môn các huyện, thành phố còn chưa thường xuyên, còn thụ động, mang tính sự vụ. Việc duy trì hoạt động của Hội đồng KHCN cấp huyện chưa thường xuyên và không có tổng kết, rút kinh nghiệm và bàn giải pháp khắc phục cho năm sau.

Đẩy mạnh hoạt động KHCN cấp cơ sở để đưa nhanh những tiến bộ KHCN vào thực tiễn và triển khai thực hiện tốt chương trình hành động của tỉnh về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng NTM của tỉnh, thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành trong tỉnh hoạch định, nghiên cứu xây dựng chính sách KHCN phù hợp với điều kiện của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com