Trừng phạt của phương Tây gây "đau đớn" nhưng không làm tê liệt nền kinh tế Nga

08:08, 04/08/2022

Trong khi doanh số bán dầu và khí đốt giảm, doanh thu của Nga lại tăng - đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. 

Các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính đối với Moskva đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, nhưng không nhiều như các cường quốc phương Tây kỳ vọng.  Ảnh: BLOOMBERG

Các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính đối với Moskva đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, nhưng không nhiều như các cường quốc phương Tây kỳ vọng.

Ảnh: BLOOMBERG

Theo trang tin politico.eu mới đây, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga nhưng nguồn doanh thu vẫn rất lớn nhờ giá năng lượng tăng vọt.

Dữ liệu mới cho thấy xuất khẩu dầu, khí đốt và kim loại của Nga đã giảm đáng kể trong tháng trước, khi các thông báo trừng phạt khiến người mua quốc tế lo ngại, theo ước tính của Điện Kremlin được nhật báo Vedomosti của Nga trích dẫn - nhưng giá cả tăng đã làm giảm tác động tiêu cực đối với doanh thu nhà nước của Moskva.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và kéo theo một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, Moskva đã giữ bí mật về các số liệu thống kê tài chính và xuất khẩu của mình. Chính phủ Nga thậm chí còn tuyên bố rằng nền kinh tế của họ vẫn phát triển và các biện pháp trừng phạt đang gây “đau đớn” hơn cho phương Tây.

Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp trừng phạt đang có tác động. Lượng dầu giao hàng đã giảm 13% từ tháng 5 đến tháng 6-2022, ở mức 18,9 triệu tấn xuống 16,5 triệu tấn, nhưng doanh thu thực tế lại tăng từ 10,2 tỷ euro lên 10,5 tỷ euro và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu khí đốt của Nga trong tháng 6 đã giảm khoảng 1/4 so với năm ngoái, nhưng thu nhập tăng lên 11,1 tỷ USD so với 3,6 tỷ USD. Hiện giá dầu thô cao khoảng gấp đôi mức của năm ngoái, trong khi giá khí đốt tự nhiên cao hơn khoảng 6 lần.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với dầu sẽ không thực sự có hiệu lực cho đến cuối năm nay hoặc vào năm 2023 - trong khi khí đốt thậm chí không bị EU trừng phạt. 

Phương Tây - bao gồm cả EU - đã tấn công Nga bằng những làn sóng trừng phạt kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch trên vào cuối tháng 2. Bên cạnh dầu mỏ và một số kim loại nhất định, EU cũng đã cấm nhập khẩu như than và vàng và cấm xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng chủ chốt như vi mạch trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga.

Ngoài xuất khẩu của Nga, một số liệu quan trọng khác là nước này đang nhập khẩu bao nhiêu: Một số nhà phân tích ước tính rằng nhập khẩu trong tháng 4 có thể đã giảm tới 80% so với năm trước, một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp và nền kinh tế của nước này đang suy thoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 26-7 đã công bố dự báo tăng trưởng trong năm, ước tính mức giảm 6% ở Nga, trong khi các nền kinh tế EU như Đức sẽ tăng 1,2%, Pháp 2,3% và Italy sẽ tăng 3%.

Mặc dù dữ liệu của Nga cho thấy tác động mạnh lên xuất khẩu, nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Chuyên gia Maria Shagina tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định, việc EU thông báo họ có kế hoạch cấm vận dầu mỏ của Nga “cho thấy nguồn cung dầu sẽ tiếp tục giảm trên thị trường, vì vậy giá tăng vọt, điều này thực sự có lợi cho Nga”.

Vào tháng 6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng các lệnh trừng phạt của EU đang “làm xói mòn nền kinh tế Nga”, lưu ý rằng việc giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ “đánh vào ngân sách duy trì xung đột của Moskva”.

Mặc dù vậy, nguồn thu của Nga từ dầu và khí đốt sẽ thực sự tăng vào năm 2022 so với năm ngoái, theo dự báo của Chính phủ Nga. Khoảng 41% ngân sách chính phủ Nga sẽ đến từ hai loại nhiên liệu hóa thạch trong năm nay (tương đương khoảng 170 tỷ Euro), so với 35,8% vào năm 2021.

Đối với Alexander Gabuev, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn Carnegie Moscow, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp trừng phạt có đang phát huy tác dụng hay không.

“Nga chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái và chứng kiến ​​các lĩnh vực viễn thông, sản xuất vũ khí và sản xuất dầu của mình bị thu hẹp do nước này bị từ chối tiếp cận với hàng nhập khẩu công nghệ cao của phương Tây. Nhưng liệu [chính sách trừng phạt] có thay đổi tính toán của Điện Kremlin và tạo ra đủ sức ép để Nga thay đổi chính sách Ukraine của mình?”, ông Gabuev nêu nghi vấn./.

Theo Báo Tin Tức



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com