Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar ngày 31-7 đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Hội đồng này cho biết, quyết định trên được đưa ra nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo Hiến pháp năm 2008 của Myanmar, tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố tối đa không quá 2 năm, lần tuyên bố đầu tiên kéo dài một năm và thêm 2 lần gia hạn, mỗi lần 6 tháng. Trước đó, quyền Tổng thống Myanmar U Myint Swe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian một năm kể từ ngày 1-2-2021 và bàn giao quyền lực cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing. Ngày 31-1, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar đã thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.
Cầu Peljesac và giấc mơ hàng thế kỷ của Croatia
Cuối tháng 7 vừa qua, Croatia chính thức khánh thành cầu Peljesac - “mảnh ghép” nối liền hai miền đất nước. Đây là cây cầu dây văng dài 2,4km, bắc qua Biển Adriatic và nối phần đất liền của Croatia với bán đảo Peljesac ở phía Nam. Công trình này do một công ty cầu đường của Trung Quốc xây dựng, với mức chi phí 526 triệu euro được tài trợ bởi Liên minh châu Âu.
Vì lý do lịch sử, miền Nam của Croatia bị ngăn cách với phần còn lại của đất nước bởi một phần lãnh thổ của Bosnia và Herzegovina. Trước đây, để đến được miền Nam, người dân Croatia sẽ phải đi qua thị trấn Neum của Bosnia và Herzegovina và thực hiện những thủ tục xuất, nhập cảnh phức tạp. Hàng thế kỷ qua, Chính phủ và người dân Croatia vẫn luôn ấp ủ mong muốn nối liền hai bờ Nam - Bắc của đất nước. Giờ đây, sự ra đời của cầu Peljesac đã hiện thực hóa giấc mơ này./.
PV