Ngày 26/6, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống nước này Vladimir Putin sẽ tới Trung Á vào tuần tới, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ tháng 2.
Hãng tin RT cho biết, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới thăm hai nước Trung Á gồm Turkmenistan và Tajikistan vào tuần tới. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Tổng thống Vladimir Putin trên chuyên cơ riêng. (Ảnh: Tass) |
Nguồn tin cho hay, tại Dushanbe, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Tổng thống Tajikistan, ông Emomali Rahmon. Kênh Rossiya 1 cho biết các cuộc đàm phán và một bữa tối làm việc giữa hai nhà lãnh đạo đã được lên kế hoạch.
Tháng trước, ông Putin và Rahmon đã gặp nhau khi nhà lãnh đạo Tajikistan trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài duy nhất tham dự Lễ Duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm 9/5 tại Moskva.
Rời Tajikistan, Tổng thống Putin sẽ tới Turkmenistan và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Caspi lần thứ VI dự kiến diễn ra vào ngày 29/6. Cùng dự hội nghị tại thủ đô Ashkhabad lần này còn có lãnh đạo các nước nằm bên bờ biển Caspi như Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan.
Giới chức và lãnh đạo Nga đang gặp trở ngại khi thực hiện các chuyến công du nước ngoài sau khi hàng loạt quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga và công dân Nga. Nhiều nước đã áp lệnh đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, trong khi Moskva cũng áp đặt các lệnh đáp trả tương tự.
Ngày 6/6, Điện Kremlin tuyên bố việc 3 quốc gia Đông Âu đóng cửa không phận khiến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phải hủy chuyến thăm Serbia, đồng thời coi đây là hành động làm leo thang căng thẳng.
Các nước láng giềng của Serbia gồm Bulgaria, CH Bắc Macedonia và Montenegro trước đó đã đóng cửa không phận với máy bay Nga. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những hành động này đã cản trở lịch trình tổ chức các cuộc họp của những quan chức cấp cao. Tuy nhiên, ông Peskov tuyên bố các nước này sẽ không thể ngăn cản Moskva duy trì liên lạc với "những quốc gia thân thiện".
Nikola Mikovic, nhà báo tự do người Serbia, cho rằng, theo giả thuyết ông Lavrov vẫn có thể đến thăm Serbia bằng Air Serbia - hãng hàng không châu Âu duy nhất vẫn bay đến và đi từ Nga. Tuy nhiên, ông Lavrov đã không lựa chọn phương án này vì có thể lo ngại rằng phương Tây có thể thực hiện chiến lược tương tự mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã sử dụng nhằm vào nhà bất đồng chính kiến Roman Protasevich hồi tháng 5/2021.
Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Belarus đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh buộc một máy bay của hãng hàng không Ryanair, bay từ Athens đến Vilnius, hạ cánh ở Minsk, khiến Protasevich bị bắt giữ. Do đó, ông Lavrov đã quyết định hủy chuyến thăm của mình đến Serbia, đồng thời cáo buộc NATO và EU muốn “biến vùng Balkan thành dự án của riêng họ”.
Thời điểm đó, Ngoại trưởng Lavrov đã lên kế hoạch thăm Serbia sau khi quốc gia ứng cử viên gia nhập EU công bố một thỏa thuận khí đốt dài hạn “rất có lợi” với Moskva. Tuy nhiên, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các nước láng giềng của Serbia là Bulgaria, Montenegro và Bắc Macedonia - tất cả đều là thành viên NATO - cấm ông Lavrov bay qua không phận của họ.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić gọi hành động trên là "nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc thảo luận", lưu ý rằng ông đã bị áp lực "lớn" với yêu cầu hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov.
Theo nhandan.vn