Trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19, các câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã và đang có nhiều chuyển biến trong phương thức hoạt động, tăng cường xây dựng hình ảnh để thu hút khán giả đến sân và tìm kiếm tài trợ.
Những thay đổi này đã làm tăng tính hấp dẫn của V.League 1-2021 và khiến những khán đài đông kín người xem ngay từ những vòng đấu đầu mùa.
CĐV Nam Định luôn nổi tiếng là cuồng nhiệt. Ảnh: Internet |
Đã từ lâu, các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn tiêu rất nhiều tiền trong một mùa giải. Theo thống kê, mỗi CLB dự V.League 1 phải tiêu ít nhất cỡ gần 40 tỷ đồng cho các hoạt động được xem là tối thiểu. Những CLB đặt mục tiêu có thành tích cao hoặc tân binh mùa giải mới thực tế còn bỏ ra kinh phí cao hơn nhiều để có thể chiêu mộ các cầu thủ đắt giá nhằm nâng cao chất lượng đội bóng của mình. Có thể chứng minh điều này qua trường hợp tân binh Topeland Bình Ðịnh đã được tài trợ 300 tỷ đồng cho ba mùa giải để đầu tư cho đội bóng. Cũng vì thế, có thể thấy những CLB như: Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, Becamex Bình Dương, Than Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… đã phải bỏ ra kinh phí lớn như thế nào cho đội hình "ngôi sao" được mời về từ khắp nơi.
Tuy nhiên, trong khoảng hai năm trở lại đây, các đội bóng không chỉ biết tiêu tiền, họ cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền cho CLB. Các đội bóng từng một thời tiêu tiền nhiều nhất như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… đã tập trung xây dựng hình ảnh, thông qua đó đã mang về những nhà tài trợ cho đội nhà. CLB Hà Nội là một thí dụ điển hình: sau thời gian dài tốn rất nhiều tiền mua về những ngôi sao từ khắp nơi, đến các mùa giải vừa qua, họ gần như không cần phải tốn tiền để mua nội binh nữa. Bên cạnh đó, những cầu thủ trẻ được đào tạo bởi chính "lò" Hà Nội FC đang ngày càng trưởng thành và trở thành những gương mặt không thể thiếu ở các cấp độ đội tuyển quốc gia. Sự thành danh của những: Duy Mạnh, Quang Hải, Ðình Trọng, Văn Hậu, Hùng Dũng, Thành Chung, Việt Anh, Văn Tới, Văn Xuân… đã giúp cho đội bóng Thủ đô luôn là ứng viên ở cuộc đua vô địch V.League 1. Ðồng thời, chính họ đang là những người làm hình ảnh cho đội nhà khi kêu gọi người hâm mộ đến sân và tạo ra một lượng khán giả trẻ mới cho đội bóng Hà Nội FC thời gian qua.
Cùng với đó là đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp làm hình ảnh trên các trang YouTube, Facebook, fanpage; tất cả thông tin bên lề liên quan đến đội bóng đều được cập nhật liên tục để khán giả đủ mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước theo dõi. Song song với đó là các hoạt động "tiếp lửa" đường xa đối với các trận đấu trên sân khách của lực lượng cổ động viên trung thành, những người đã bỏ tiền để mua vé cả mùa, quần áo đồng phục, băng rôn cổ vũ và tập luyện các bài hát truyền thống, các tiết mục cổ động trước, trong và sau trận đấu. Từ đó đã góp phần kéo khán giả đến sân nhiều hơn và giúp ban tổ chức bán được nhiều vé, trong lúc nhà tài trợ trang phục thi đấu cũng thu được một số kinh phí không nhỏ từ áo và trang phục cổ động của đội nhà. Bên cạnh đó, nhiều nhà tài trợ đã tìm đến với đội, thể hiện qua các bảng quảng cáo đặt trên sân đấu.
Không chỉ Hà Nội FC, từ các đội bóng có truyền thống như Hoàng Anh Gia Lai, Than Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh hay Becamex Bình Dương cho tới các đội bóng mới lên chơi ở V.League 1 như Viettel, Nam Ðịnh, Topeland Bình Ðịnh cũng đang có những động thái tương tự, cách làm mới lạ cho riêng mình để có thể tìm thêm nhà tài trợ, qua đó mang tiền về cho CLB, giúp giảm tải rất nhiều áp lực cho đơn vị tài trợ chính. Mặc dù thực tế cho thấy, số tiền mang về nhờ những hoạt động khác vẫn chưa đáng là bao so với số kinh phí bỏ ra để nuôi đội bóng, nhưng như ông bà ta thường nói "năng nhặt chặt bị" và nó cho thấy các CLB đang dần ý thức hơn trong công tác xây dựng hình ảnh để đội nhà ngày càng đẹp hơn, giúp giá trị đội bóng tăng lên. Qua đó, giá trị của V.League cũng ngày càng tăng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Theo nhandan.com.vn