Mùa bóng 2020 vừa qua, Than Quảng Ninh đua tranh vô địch đến tận những vòng đấu cuối cùng và kết thúc với vị trí thứ 4. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, sự tồn tại của đội bóng đất Mỏ lại đang trở thành dấu hỏi khi các cầu thủ và ngay cả Huấn luyện viên trưởng Phan Thanh Hùng đều không nhận được đề nghị ở lại.
Nói cách khác, Than Quảng Ninh trên bờ vực của cuộc giải thể hết sức bất ngờ. Điều đáng nói là Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng vừa mới đua tranh chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, vậy nhưng đội bóng thì chưa chắc sẽ thuộc quyền quản lý của ông.
Lý do nhiều vô số, cái nào cũng hợp lý và đó chính là đặc thù của bóng đá Việt Nam. Một ngày đẹp trời, một nhà tài trợ có thể tuyên bố “nghỉ chơi” và thế là mọi thứ lao dốc. Một ngày khác, doanh nhân kia tuyên bố không làm chủ tịch CLB nữa, rồi chẳng ai biết đội bóng thuộc về ai. Có đội như Sài Gòn FC sẵn sàng thanh lý rồi ký mới phân nửa đội hình nếu ông chủ sẵn sàng chi tiền, ngược lại như Than Quảng Ninh, cứ lần lượt mà ra đi khi chẳng ai quyết định sẽ trả lương cho cầu thủ nữa. Mọi thứ vô cùng bấp bênh.
Đấy là nguyên nhân mà cứ vào mỗi mùa giải, Công ty VPF lại phải “cắn răng” để đặc cách cho một số đội bóng được dự V-League, cho dù họ không bảo đảm các tiêu chí chuyên nghiệp theo chuẩn AFC. Các đội nằm trong tình trạng này thường vẫn do các địa phương trực tiếp quản lý. Mức độ đầu tư chỉ đủ cho đội 1, không bảo đảm được những tiêu chí về tuyến trẻ, sân bãi, tài chính lành mạnh…
Quá dễ để VFF hay VPF làm mạnh tay, nhưng khi đó, thiệt hại sẽ thuộc về phong trào địa phương, người hâm mộ. Đó là cái khó của các nhà quản lý khi họ tiến hành xử lý, dù cũng biết cứ du di mãi thì bóng đá Việt Nam sẽ khó vươn xa.
Sự thăng - trầm của một CLB thể thao ở đâu cũng như nhau, không bao giờ có chuyện tồn tại mãi mãi. Mọi thứ tùy vào năng lực thi đấu, hoạt động kinh doanh, trình độ quản lý. Nhưng vấn đề là ở Việt Nam hầu như chẳng có cái gì làm “nhiệt kế” đánh giá sự thành - bại của một đội bóng. Thi đấu thành công liên tục như Than Quảng Ninh hay Thanh Hóa, “đùng 1 cái”… ông chủ bỏ đi và cầu thủ bơ vơ, từ mạnh chuyển sang yếu ngay lập tức.
Ở Việt Nam, hiện chỉ mới có Hà Nội, SHB Đà Nẵng và Becamex Bình Dương là 3 đội bóng có được sự bảo đảm về tính ổn định. Họ không mạnh hơn thì thôi, chứ không đột nhiên yếu đi. Điểm chung của 3 đội bóng này đó là sự tự chủ về tài chính, có yếu tố địa phương và có những doanh nghiệp lớn hỗ trợ phía sau. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, cũng chẳng ai phải lo lắng về sự tồn tại của họ cả.
Đã đến lúc phải “luật hóa” pháp nhân của các đội bóng chuyên nghiệp nhằm tránh để nền thể thao bị tổn thương và ảnh hưởng những người lao động trực tiếp./.
Theo SGGP