Phát triển đồng đều

07:04, 11/04/2014

Tại hội thảo về thể thao thành tích cao do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đối với ngành chủ quản là tại sao thể thao Việt Nam trong những năm gần đây lại ít quan tâm đến những môn thể thao tập thể mà chỉ đầu tư nhiều cho những môn thi đấu cá nhân? Tại đấu trường khu vực và quốc tế, điều dễ dàng nhận thấy là thể thao Việt Nam chỉ có thế mạnh ở những môn cá nhân, chẳng hạn như: Ka-ra-tê-đô, cờ vua, thể dục dụng cụ, bắn súng (cá nhân). Trong khi đó, ngoài môn bóng đá và bóng chuyền, các môn thể thao tập thể khác của chúng ta đều “yếu” trong thi đấu quốc tế. Mới đây nhất là việc đội tuyển quần vợt Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà trước đội tuyển Sri Lan-ca ở giải đấu trụ hạng nhóm 2 khu vực châu Á và đành chấp nhận quay về nhóm 3. Lâu nay, quần vợt vẫn được xem là môn thể thao quý tộc nên chỉ có ít gia đình có điều kiện mới đầu tư cho con em tập luyện và chơi quần vợt. Thực tế cho thấy, quần vợt Việt Nam cũng có một vài tay vợt mới nổi và chơi khá hay nhưng điều đó cũng chỉ giúp cá nhân những VĐV này khẳng định sự tiến bộ của mình, còn trong sự phối hợp thi đấu cho đội tuyển quốc gia đều cho thấy sự không tiến bộ, thậm chí rời rạc. Do đó, sự thất bại của đội tuyển quần vợt Việt Nam là điều dễ hiểu.

Đối với hai môn thi đấu quan trọng nhất thuộc hệ thống Ô-lim-pích là điền kinh và bơi lội, sự vượt trội về yếu tố cá nhân cũng dễ dàng nhận ra. Những gương mặt xuất sắc trên đường chạy như: Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Việt Anh… là đáng kể. Trước đây, ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m, 4x400m của Việt Nam đã từng có thành công vang dội với bộ tứ “lừng danh” gồm: Nguyễn Tuyết Minh, Vũ Mộng Thư, Lâm Minh Thủy, Hoàng Anh (nữ); Bùi Đình Đắc, Phan Đình Cường, Lê Văn Tẫn, Trần Hữu (nam). Vậy mà hiện nay tại hầu hết các kỳ SEA Games hay ASIAD, hai nội dung từng được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam thường bị loại ngay từ vòng ngoài. Trên đường đua xanh, tên tuổi của 2 kình ngư trẻ là Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước là những niềm tự hào của thể thao Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên ở những nội dung bơi tập thể, sự xuất sắc của họ không đủ để có thể khỏa lấp sự non nớt, yếu kém của cả tập thể, thế nên các đội tuyển bơi của Việt Nam thường rất ít được vinh danh trên đấu trường khu vực và châu lục - điều mà các nước trong khu vực như: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a… lại làm tốt hơn chúng ta.

Rõ ràng, những nội dung thể thao thi đấu tập thể cần được từng bộ môn, các cơ quan chức năng của ngành VH, TT và DL quan tâm hơn nữa để bảo đảm cho thể thao Việt Nam có sự phát triển đồng bộ, hài hòa và bền vững./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com