Hệ thống các công trình di sản kiến trúc đô thị nước ta mang đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử của nhiều thời kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cần phải ứng xử như thế nào với các di sản kiến trúc này?
Với truyền thống văn hóa cùng bề dày lịch sử lâu đời, Việt Nam nói chung và các đô thị lớn nói riêng đang sở hữu rất nhiều di sản văn hóa, kiến trúc chứa đựng trong mình những nội hàm có giá trị đặc biệt. Đó có thể là các hiện vật, di tích lịch sử, cũng có thể là các di sản văn hoá phi vật thể… Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các công trình kiến trúc đã tồn tại hàng trăm năm và trở thành biểu tượng của các thành phố lớn, là nơi lưu giữ ký ức đô thị, tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố. Thế nhưng, dưới áp lực của sự phát triển và quá trình đô thị hóa, nhiều di sản kiến trúc đang đối mặt nguy cơ bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Đây là điều khiến những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị như Thạc sĩ Trương Quốc Toàn - Trợ lý Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam luôn trăn trở.
Cầu Thượng Nông vắt qua dòng sông Ngọc (xã Bình Minh, huyện Nam Trực). Ảnh: Chu Thế vĩnh |
Thạc sĩ Trương Quốc Toàn nêu thực tế: Từ lâu nay, những người làm về đầu tư phát triển đô thị luôn có một suy nghĩ là cái gì đó đập đi xây lại bao giờ cũng dễ hơn là bảo tồn. Tức là họ chọn giải pháp không tốn nhiều công sức, không mất nhiều thời gian và kinh phí để trùng tu tôn tạo. Khi có điều kiện, họ sẵn sàng phá bỏ cái cũ và xây lên một công trình mới. Bên cạnh đó, trong các dự án mà chúng tôi làm với phía thành phố Hà Nội, tôi nhận được một câu hỏi nghe nó rất lạ: Không biết là bên Pháp có còn lưu trữ lại được những cái tư liệu về các công trình mà xây từ thời Pháp và có niên hạn sử dụng hay không? Tôi hiểu họ hỏi bởi khi nói đến niên hạn sử dụng nghĩa là nếu hết niên hạn thì sẽ phá bỏ công trình di tích, di sản đã có thâm niên để thay thế bằng những cái mới. Do đó, tại các đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt… những nơi có hàng ngàn di tích có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, phong phú và đa dạng về loại hình (nhà ở, công trình văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...) cũng không tránh khỏi sự đe dọa của lợi ích kinh tế, làm hao hụt quỹ di sản văn hóa của dân tộc, gây tiếc nuối và bức xúc trong xã hội mà nguyên nhân dẫn đến điều này là do tư duy sai lầm.
“Di sản đô thị là nơi lưu giữ ký ức, quá trình tồn tại của một quốc gia, một thành phố. Ví dụ như với Hà Nội thì có ký ức từ thời Đại La, thời Thăng Long - Đông Đô, rồi ký ức từ thời Pháp thuộc, thời bao cấp, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... Nếu như trong một đô thị mà chúng ta lưu giữ lại được những yếu tố thể hiện những ký ức đô thị của từng tầng bậc lịch sử đó, nó giống như các lớp trầm tích lịch sử, thì cái đô thị của chúng ta thực sự là có giá trị hơn rất nhiều”, Thạc sĩ Trương Quốc Toàn khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo Thạc sĩ Trương Quốc Toàn, mặc dù Luật Di sản văn hóa đã ra đời từ năm 2001 và được sửa đổi vào năm 2009 cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác, thế nhưng Di sản đô thị là gì thì đây là một trong những câu hỏi mà chúng ta chưa thể tìm thấy trong các văn bản hiện hành. Như vậy thì di sản kiến trúc trong các đô thị của chúng ta đang đứng trước rất nhiều những nỗi lo bởi thiếu đi một cơ chế bảo vệ vững chắc từ những hành lang pháp lý. Vì thế, chúng tôi với tư cách là những người làm chuyên môn về bảo tồn di sản đô thị cũng rất mong phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở về pháp luật, rồi các văn bản pháp quy để xác định được rõ thế nào là di sản đô thị, thế nào là những di sản kiến trúc. Từ đó việc bảo tồn di sản sẽ thuận lợi hơn, tránh những trường hợp “di sản ngã xuống” trước khi luật được ban hành./.
Theo VOV