Tín ngưỡng thờ thần sông nước ở tỉnh ta

08:05, 27/05/2022

Trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, các thần sông nước xuất hiện đa dạng trong các tích sử, nhưng đều có nét chung là những phúc thần, có công giúp nhân dân trong vùng làm ăn, sinh sống; phò trợ cho các đấng quân vương. Ở tỉnh ta, các vị thủy thần như: Nam Hải đại vương, Đông Hải đại vương, Tây Hải đại vương, Câu Mang đại vương, Linh Lang đại vương... được thờ tự tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa có kiến trúc độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật cùng với những lễ hội đặc sắc.

Chuẩn bị thực hiện nghi thức tế “Tam kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).
Chuẩn bị thực hiện nghi thức tế “Tam kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).

Độc đáo về kiến trúc 

Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) thờ Linh Lang Đại Vương - tướng thời Hùng Duệ Vương và hai tướng: Cao Đê, Đãi Chân dưới triều An Dương Vương là các nhân vật lịch sử có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Ngoài giá trị về lịch sử, đình Sùng Văn còn là công trình tín ngưỡng quy mô bề thế, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Công trình hiện nay gồm hai tòa, làm theo kiểu chữ đinh. Tòa tiền đường có 5 gian với bộ mái đồ sộ, lợp ngói nam phẳng phiu và cong đều về bốn góc. Ngôi đình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng rãi, nằm ẩn mình dưới những tán lá cây cổ thụ và ao làng xanh biếc đã tạo nên khung cảnh làng quê nên thơ, cổ kính. Đình - Chùa Lạc Quần, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) là di tích lịch sử - văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng năm 2009. Chùa thờ Phật theo tín ngưỡng truyền thống dân tộc; đình thờ 2 vị Thành hoàng làng thời Hùng Vương là Thuỷ thần Nam Hải đại vương và Sơn thần Quý Minh đại vương (Đệ tam Tản Viên). Tổng thể kiến trúc Đình - Chùa Lạc Quần cân đối hài hòa. Đình Lạc Quần được xây theo kiểu cuốn vòm, cổ đẳng 4 mái lợp ngói nam. Cũng giống như nhiều đình, đền khác, hai đầu hiên của đình có 2 cột đồng trụ, phía trên là ô vuông đắp tứ linh, trên riềm là hoạ tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Di tích Đình - Chùa Lạc Quần hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật như: chuông đồng (cao 1,33m, đường kính 0,63m) đúc năm Mậu Tý triều Vua Minh Mệnh (1828); 2 văn bia Hậu Thần bi ký, Lạc Thiện hội, bài vị, hoành phi. Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) thờ Triệu Quang Phục. Theo các thần tích, tư liệu lịch sử ở địa phương, từ thuở hoang vu, Triệu Quang Phục đã đến đây dạy người dân địa phương tạo kế sinh nhai. Triệu Quang Phục đã chiêu dân, tổ chức đắp đê để ngăn nước mặn, cải tạo đất. Sau khi lên ngôi xưng hiệu Triệu Việt Vương, năm 571, ông bị Lý Phật Tử (cháu của Lý Nam Đế) đánh úp. Quyết không để giặc bắt, ông đã gieo mình xuống cửa biển Đại Nha tự vẫn. Để tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của Triệu Việt Vương, dân làng Độc Bộ đã suy tôn ông là Thành hoàng làng và lập đền để thờ phụng. Đền có quy mô nhỏ, nằm sát mép sông Đáy. Đến năm 1577, đền được chuyển đến nơi có thế đất bằng phẳng, rộng rãi. Trải qua các triều đại phong kiến, đền được tu sửa nhiều lần. Trong thời kỳ Pháp thuộc, địch đã phá Đền Độc Bộ lấy vật liệu xây đồn bốt. Năm 1957, dân làng Độc Bộ đã phục dựng lại đền. Từ đó đến nay, dân làng nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Tòa tiền đường có kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Tầng trên gọi là “Điện kính thiên”, xây cuốn vòm, mái lợp ngói nam có đắp chữ “Nam thiên thánh tổ”. Trung đường xây theo kiểu cổ đẳng, cung cấm xây ngang... Điểm đặc biệt ở Đền Độc Bộ là pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng ngồi trên bệ đá có chiều cao 1,6m, đầu đội mũ, mình tạc áo long bào chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được nhiều câu đối, văn bia, đại tự và gần 10 đạo sắc phong qua các triều đại từ thời Vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1783) đến thời Vua Khải Định (1924)…

Tới những lễ hội đặc sắc

Lễ hội Đền Độc Bộ là một trong những lễ hội mùa thu có quy mô lớn của vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng. Lễ hội Đền Độc Bộ được tổ chức từ 2-3 ngày; trong đó, chính hội là ngày 13-8 (âm lịch) - ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Nét đặc sắc của lễ hội Đền Độc Bộ là nghi thức tế “Tam kỳ giang” diễn ra vào giờ Ngọ, ngày 13-8 (âm lịch) tại ngã ba sông - nơi giao điểm hai dòng nước (cách đền khoảng 1km). Nghi thức tế “Tam Kỳ giang” là gồm hai “tuần lễ”. Tuần đầu tế trời đất: Các đội tế dâng hương, dâng bánh dầy, chè kho, hóa vàng mã rồi thả xuống sông với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi. Tuần hai tế thánh: Các đội tế đọc chúc văn ca ngợi công lao của Triệu Việt Vương và tục “xin” nước Thánh trên sông rước về đền để lễ. Bên cạnh phần lễ được tổ chức vào buổi sáng ngày 13-8 (âm lịch), phần hội tổ chức vào buổi chiều diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi; tiêu biểu là cuộc thi đua thuyền rồng trên sông với sự tham gia của nhiều tay chải đến từ các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực. Tại sân đền diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, cờ tướng, chọi gà, tổ tôm, leo cầu phao, múa lân, sư, rồng. Buổi tối diễn ra hội diễn văn nghệ quần chúng với nhiều tiết mục hát: chèo, ca trù, quan họ; trong đền tổ chức hầu đồng, hát văn, tạo không gian văn hoá làng sôi động, hấp dẫn.

Lễ hội đền An Cư tưởng nhớ thủy tổ Vũ Quý Công và 2 vị thần: Nam Hải Đại vương và Linh Lang Đại vương được tổ chức vào các ngày mồng 6, 7 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Lễ hội diễn ra các nghi thức tế lễ, rước kiệu trang trọng và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, trong đó, đấu vật và bơi chải là môn thể thao truyền thống ở địa phương. Các cuộc thi không chỉ đơn thuần thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, rèn luyện sức khỏe mà còn mô phỏng hình ảnh về cuộc sống của tổ tiên thời kỳ khai hoang, lấn biển, lập ấp. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xưa, sới vật An Cư rất nổi tiếng với “đặc sản” là miếng “đánh gồng”. Bơi chải là cuộc thi được tổ chức sau khi khai hội Đền An Cư và thi đấu trong các ngày diễn ra lễ hội. Để chuẩn bị cho giải đấu, vào cuối tháng Chạp, các đội đua tổ chức bao sái thuyền, chải, tuyển chọn các tay chèo. Cuộc thi xuất phát tại sông cầu Đình với sự tham gia của 200 tay chải. Trước khi thi đấu, các tay chải mặc trang phục truyền thống, khiêng chải ra sân đền làm lễ dâng hương các vị thần, thánh rồi mới ra sông làm lễ hạ chải để thi đấu. Đường đua của đội chải nam dài 8km; đường đua của đội nữ dài 5km. Trong mỗi cuộc đua, hai bên đường, người dân cổ vũ, tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã khiến không khí ngày hội sôi nổi, náo nhiệt cả vùng quê.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá những di tích thờ thủy thần, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, thực hiện có hiệu quả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các địa phương có di tích thờ thủy thần đã nỗ lực tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, nâng cao nhận thức, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com