Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, huyện Mỹ Lộc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện các mục tiêu: Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; phát triển văn hóa, con người trở thành nguồn lực quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao…
Múa rồng trong lễ hội Đền thờ Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa, làng Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc. |
Trầm tích đất Thiên Trường xưa
Huyện Mỹ Lộc thuộc Phủ Thiên trường xưa là nơi phát tích của Vương triều Trần - một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo sách sử ghi lại mùa thu năm 1285, sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 2, Vua Trần Nhân Tông đã về Thiên Trường tế tổ ở Thái Miếu. Ngài nhìn thấy vết bùn trên mình ngựa đá trước điện thờ đã cảm khái sáng tác 2 câu thơ đi vào lịch sử: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (dịch nghĩa: Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thủa vững âu vàng). Vùng đất Thiên Trường xưa - Mỹ Lộc nay là nơi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh ra và lớn lên. Ông là vị tướng có tài thao lược, văn võ song toàn, trung quân ái quốc, cùng vua quan nhà Trần lãnh đạo nhân dân giành chiến công hiển hách 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, trở thành Đức Thánh Trần huyền thoại được nhân dân lập Đền thờ tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc. Huyện Mỹ Lộc còn là vùng đất có Thái ấp của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, một nhà chính trị kiệt xuất, một thi nhân có những bài thơ yêu nước bất hủ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, Trần Quang Khải giữ vai trò nổi bật trong trận chiến phòng thủ Nghệ An và đánh tan quân giặc tại Chương Dương, được nhân dân lập đền thờ ở xã Mỹ Thành… Từ cội nguồn văn hóa Trần gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc, các thế hệ người dân Mỹ Lộc đã không ngừng sáng tạo, lưu giữ không gian văn hoá truyền thống làng quê độc đáo. Đó là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị truyền thống qua những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội. Tiêu biểu là các di tích: Đền Lựu Phố, Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc; Đình - Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành; Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận; Đình Cả, xã Mỹ Trung; Đình Khả Lực, xã Mỹ Thịnh... Ngoài ra còn có hệ thống các di tích từ đường, nhà thờ tổ của các dòng tộc tôn thờ những người có công khai hoang lập ấp, khai cơ lập nghiệp, gây dựng nên cuộc sống hiện tại được tôn là “Thành hoàng làng”, “Phúc Thần”, “Nghệ tổ”. Tiêu biểu là các từ đường họ Trần Văn, các họ Bùi - Trần - Đào, xã Mỹ Trung; họ Lê - Đặng, xã Mỹ Thành... Thờ Phật là tôn giáo có mặt sớm nhất ở huyện Mỹ Lộc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh người dân khi hòa nhập vào các tín ngưỡng bản địa khác như: thờ Thánh, Thần, Mẫu, cùng chung một khao khát, ước vọng “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đời sống nhân dân no đủ”. Trên địa bàn huyện có hàng trăm ngôi chùa tồn tại từ lâu đời; có di tích được xây dựng cách đây vài thế kỷ, tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Thành, Mỹ Thuận, Mỹ Thắng, Mỹ Hưng… Truyền thống hiếu học ở Mỹ Lộc được đặt nền móng và xây đắp từ xưa khi có trường học Văn Hưng từ thế kỷ XIII. Hàng nghìn nho sinh thời bấy giờ ở khắp vùng Thiên Trường đã về đây đua trí, đua tài. Quê hương Mỹ Lộc đã sản sinh ra nhiều nhân tài trong các thời kỳ lịch sử làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa
Xác định xây dựng văn hóa, con người Mỹ Lộc phát triển toàn diện, hướng đến “chân - thiện - mỹ”, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, làm nền tảng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới cùng với các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Xây dựng môi trường nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác” được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, toàn huyện có 134/137 thôn, xóm, TDP đạt danh hiệu văn hóa (98%); tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 80%. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị với đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, phong phú; tích cực rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động. Phong trào nêu gương “người tốt - việc tốt” đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Nhiều cá nhân, tập thể đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng nông thôn mới với các công trình phúc lợi xã hội. Các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Những giá trị văn hóa phi vật thể của huyện đã tiếp tục gìn giữ, kế thừa và phát huy; tiêu biểu là nghệ thuật hát chèo, hát văn ở các xã: Mỹ Hưng, Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Thắng…; nhiều lễ hội truyền thống, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục, nhiều sản vật mang đậm bản sắc quê hương được quảng bá, khẳng định bản sắc của đất và người Mỹ Lộc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Lộc có 125 di tích; trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh và 93 di tích trong danh mục kiểm kê. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo di tích không đúng với nội dung phê duyệt của cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Thực hiện Văn bản số 340/SVHTTDL-BT ngày 15-4-2022 của Sở VH, TT và DL về tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, UBND huyện Mỹ Lộc đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn, Ban quản lý các di tích thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa; đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Những thành tựu đạt được trong gìn giữ, kế thừa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là tiền đề quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ về tinh thần để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Mỹ Lộc tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội hôm nay./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng