Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Từ việc tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, sự kiện càng khẳng định tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: Khánh Dũng |
Tôn vinh sách và văn hóa đọc
Ông cha ta luôn đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con” hay “Một kho vàng không bằng một nang chữ”.
Sách không chỉ là kho tàng kiến thức, mà còn là kho của cải vô tận trao chuyền qua nhiều thế hệ. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn.
Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 là Ngày Sách Việt Nam. Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam 21-4 hàng năm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4-11-2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021 tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Ngày lễ cũng thực hiện mục tiêu tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Việc lấy ngày 21-4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (ngày 23-4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.
Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (ngày 23-4), Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc có quy mô quốc tế này. Từ đó đến nay, Ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã dần trở thành nền nếp, đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với mục đích cao cả: Không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hoá đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của sách và việc đọc sách - một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn. Đó là bên cạnh việc tổ chức các hoạt động: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề văn học, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật... Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Trung ương và các địa phương đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hoá đọc.
Triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan được giao chủ trì giúp Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và hướng dẫn hoạt động phát triển văn hóa đọc, ban hành Kế hoạch số 5270/KH-BTTT ngày 24-12-2021 hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức thường xuyên trong năm với các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên khẳng định, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, tác động đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao, vì vậy, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc là dịp để khơi dậy tình yêu sách, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước.
Cùng chung quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đoàn Quỳnh Dung cho rằng, việc chuyển từ Ngày Sách Việt Nam sang Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là động lực cho việc khuyến đọc, khơi nguồn cho các hoạt động nhằm thổi hồn vào sách. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ gắn kết các tác giả - người làm sách - tác phẩm - độc giả, giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng…
Phát triển văn hóa đọc thành “thương hiệu quốc gia”
Trước bối cảnh văn hóa nghe nhìn đã, đang lấn át mạnh mẽ văn hóa đọc, các nhà nghiên cứu, các nhà làm văn hóa và cả cộng đồng đều đang nỗ lực để tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: “Cần phải làm gì?”, “Làm thế nào?” để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4 thực sự có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn, thiết thực hơn đối với toàn thể nhân dân, để hoạt động này thu hút được đông đảo bạn đọc cả nước và những người làm nghề sách (xuất bản, in, phát hành) và thư viện, để Ngày Sách Việt Nam trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hoá, giống như Ngày Thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng) diễn ra hàng năm.
Ngay khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng rộng khắp.
Với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đã chính thức khai mạc ngày 15-4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Với loạt hoạt động hấp dẫn, như: Giới thiệu sách mới của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (ngày 15-4); Tọa đàm “Nghĩ tích cực, sống tự tin” do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị tổ chức (ngày 17-4); giới thiệu sách thiếu nhi của Nhà Xuất bản Kim Đồng (ngày 23-4)…
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng đối với việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc cho giới trẻ. Vì vậy trong kỷ nguyên số các yếu tố về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực... có tính chất then chốt thúc đẩy văn hoá đọc cho thanh thiếu niên trong giai đoạn mới. Nhưng một điều vô cùng quan trọng đó là cần phải nhận diện những cơ hội và thách thức. “Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn hóa đọc của thanh niên, thiếu niên có nhiều thay đổi, cần có những nhận diện thấu đáo để từ đó kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số” - ông Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh.
Nếu cha mẹ thờ ơ với sách thì không thể trách mắng con không đọc sách. Nếu các bài giảng trên lớp không chỉ đóng khung vào nội dung trong sách giáo khoa, mà còn khuyến khích học sinh tiếp tục đào sâu, tìm hiểu thông qua các sách vở, tài liệu có liên quan chắc chắn sẽ giúp kiến thức trẻ được tiếp nhận trở nên hữu ích.
Các tủ sách tại các gia đình, dòng họ cũng cần có nhiều đầu sách phong phú, hấp dẫn, để tạo tâm lý đọc sách và thu hút con cháu tìm đến. Như vậy, sách cần đi vào cuộc sống bằng nhiều cách thức đa dạng, mà ở đó mỗi cá nhân cần đóng vai trò của một người giữ lửa và truyền lửa, khi đó chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập sôi nổi và ý nghĩa./.
PV