Ý Yên gìn giữ bản sắc văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

06:03, 05/03/2021

Phát huy những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu (năm 2019), huyện Ý Yên tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo hệ thống thiết chế văn hóa cổ bên cạnh việc xây dựng, củng cố các công trình văn hóa hiện đại; đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, dòng họ trong thực hiện hương ước, quy ước làng (thôn, xóm, TDP); gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa  truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Di tích lịch sử - văn hoá đình Cát Đằng, xã Yên Tiến. Ảnh: Viết Dư

Di tích lịch sử - văn hoá đình Cát Đằng, xã Yên Tiến.

Ảnh: Viết Dư

Xã Yên Nhân là một trong 5 địa phương của huyện Ý Yên đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao” năm 2020. Những ngày đầu xuân mới, trên khắp các con đường được trải nhựa, bê tông hóa kiên cố là hình ảnh những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Trên tuyến đường trục chính sáng - xanh - sạch - đẹp dẫn vào di tích lịch sử - văn hóa Ðền Ðộc Bộ, hai bên đường đủ loại hoa đua nhau khoe sắc trải dài đến từng ngõ xóm, vào tận sân các hộ gia đình. Khu vui chơi, tập luyện TDTT, nhà văn hóa của cả 16 xóm được xây dựng khang trang, rộng rãi với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng thường ngày của người dân địa phương. Ðiểm sáng trong xây dựng mô hình “NTM kiểu mẫu” ở Yên Nhân là cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình đầu tư kiến thiết cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn luôn đề cao việc lưu giữ “hồn quê” qua việc bảo vệ cây xanh, công trình cổ. Ở xóm 9 - xóm NTM kiểu mẫu, nhiều gia đình hiện còn gìn giữ những cây ăn quả nhiều chục năm tuổi. Giữa các hộ dân, ven ngõ đi vào các gia đình vẫn còn những hàng rào “mềm” bằng cây xanh tạo sự gần gũi, thân thuộc. Từ sự đồng lòng của người dân, ý thức tham gia vệ sinh môi trường sinh thái của cộng đồng dân cư ngày càng được nâng lên. Ðã thành thói quen, cứ mỗi tuần 1 lần, nhân dân xóm 9 đều tự giác dọn vệ sinh khuôn viên nhà ở, đường dong, ngõ xóm, thu gom, tập kết rác thải để xử lý đúng nơi quy định. Thôn Trung, xã Yên Khánh là đơn vị giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” gần 20 năm qua. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM nâng cao, thôn Trung vẫn gìn giữ được không gian văn hóa truyền thống của làng quê Việt với các thiết chế như: đình chùa, miếu, cổng làng, giếng nước… Ngoài các thiết chế văn hóa cổ, người dân thôn Trung còn duy trì các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng; đặc sắc nhất là nghi lễ tế Thành hoàng làng - Tướng quân Phạm Ngũ Lão vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm tại Ðình làng Trung. Cùng với gìn giữ mỹ tục trong dịp hội làng truyền thống, người dân trong thôn vẫn duy trì các lễ tiết trong năm như: cúng Thổ công, tục lệ trong đêm Trừ tịch, Tết Nguyên đán, lễ Thượng nguyên… Các dòng họ lớn, nhỏ trong thôn đều lập từ đường thờ tổ, tôn tạo gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống như: lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng; duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ, chung tay đóng góp thiết thực vào phong trào xây dựng NTM nâng cao, bền vững ở địa phương.

Là huyện có nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống phát triển, các làng nghề ở Ý Yên đều đã xây dựng hương ước, quy ước và thường xuyên bổ sung, sửa đổi hương ước, quy ước cho phù hợp nếp sống văn hóa mới; trong đó, đề cao vai trò, ý thức của cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, an toàn lao động, văn hoá giao thương, tình làng nghĩa xóm… Các giá trị thuần phong mỹ tục ngày càng phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Các địa phương có làng nghề đều thực hiện tốt phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, tiêu biểu như: làng nghề sơn mài Cát Ðằng (xã Yên Tiến); làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh); làng nghề đúc đồng Tống Xá, Vạn Ðiểm (thị trấn Lâm); nghề làm nón (xã Yên Trung)... Xã Yên Ninh là địa phương làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM nâng cao; đặc biệt là gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với lễ hội truyền thống. Ðền Ninh Xá là di tích thờ Lão La đại thần Ninh Hữu Hưng - người có công mở mang trang ấp và truyền nghề mộc, đục chạm, điêu khắc gỗ cho cả vùng. Lễ hội làng Ninh Xá hàng năm vừa là dịp để con cháu xa gần bày tỏ tri ân công đức đối với tổ tiên ông tổ nghề mộc, còn là cơ hội để người dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm nghề cũng như quảng bá, tôn vinh sản phẩm làng nghề truyền thống. Ở Yên Ninh, sự gắn bó trong cộng đồng dân cư không chỉ được thể hiện qua mỗi dịp hội làng mà trong cuộc sống thường ngày, mỗi người, mỗi nhà còn tham gia thực hành quy ước về tiết kiệm trong sinh hoạt, không lãng phí, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh.

Nghề thủ công mỹ nghệ tre nứa chắp ở thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến. Ảnh: Viết Dư

Nghề thủ công mỹ nghệ tre nứa chắp ở thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến.

Ảnh: Viết Dư

Là vùng đất cổ nên trong các di sản văn hóa vật thể ở Ý Yên còn có nhiều công trình cổng làng mang đặc trưng kiến trúc truyền thống. Từ xưa đến nay, thiết chế văn hóa cổng làng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng làng xã nơi đây. Với kiến trúc độc đáo, các cổng làng cổ, xây dựng từ lâu đời xen lẽ những cổng làng mới xây mang dáng dấp truyền thống đã gắn bó mật thiết với bao thế hệ người dân và trở thành biểu tượng văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Phần lớn hệ thống cổng làng ở Ý Yên được làm bằng chất liệu gạch và vôi, vữa. Tiêu biểu như các cổng làng: Trại Ðường, Phù Lưu (xã Yên Thắng), Ðộc Bộ, An Lại, Ngô Quyền (xã Yên Nhân), Hoàng Mẫu, Khang Thọ (xã Yên Lương), Cẩm (xã Yên Dương), Dưỡng Chính (xã Yên Khánh)… Hầu hết các cổng làng mới ở Ý Yên đều do các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm thiết kế, phục dựng và được bàn bạc dân chủ, thống nhất dựa trên các ý kiến đóng góp của nhân dân. Ở Ý Yên một số địa phương hiện còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Từ xưa, dân gian có truyền câu “Cỗ An Hòa, nhà Lạc Chính” để khẳng định chất lượng những ngôi nhà cổ ở làng Lạc Chính, xã Yên Chính. Cũng giống như nhiều nhà cổ vùng đồng bằng Bắc bộ thời phong kiến, nhà cổ ở làng Lạc Chính có 2 loại là nhà đắp đất, lợp rạ và nhà dựng cột gỗ, xây gạch, lợp ngói ta. Những ngôi nhà cổ của các gia đình được gìn giữ qua 3-5 thế hệ. Kiến trúc nhà cổ ở Lạc Chính thông thường gồm 3 gian, 2 chái, mặt quay hướng nam, đơn giản với 1 cửa chính, 2 cửa phụ, nhiều cửa sổ đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát mùa hè. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và bàn ghế tiếp khách; hai gian bên kê giường ngủ. Trải qua thời gian với sự tác động của thiên nhiên và sức ép của đô thị hoá nhưng những gia đình đang sở hữu các nếp nhà cổ ở xã Yên Chính nói riêng ở huyện Ý Yên nói chung ngày nay vẫn kiên trì giữ gìn những nếp nhà báu vật của cha ông để lại. Ðối với mỗi gia đình, đó không chỉ là mái ấm của các thế hệ con cháu mà còn là nơi giáo dục các thành viên hiểu được bản sắc văn hóa và nhân sinh quan trong kiến trúc nhà của ông cha xưa.

Mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu (giai đoạn 2020-2025) ở huyện Ý Yên là đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và văn hóa. Từ năm 2019 đến nay, việc thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, huyện Ý Yên đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hoá; các ngành, địa phương trong huyện đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn xây dựng môi trường văn hóa theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh; trong đó, chú trọng đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Nội dung tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo; giữ vững an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xã hội hoá các hoạt động văn hóa - thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội... Các địa phương trong huyện đều nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa - NTM nâng cao không đơn thuần chỉ là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mà rộng hơn là xây dựng con người văn hóa; lấy văn hóa làm nền tảng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và là “chìa khóa” để giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội.

Nỗ lực lưu giữ “hồn quê” trong kiến thiết xây dựng cũng như các phong trào xây dựng NTM ở Ý Yên không chỉ là gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông, giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ góp phần tăng “sức đề kháng” cho cộng đồng trước những tác động mặt trái của xã hội hiện đại, để mỗi người dân, mỗi gia đình thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng dân cư và toàn xã hội; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

Khánh  Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com