Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh luôn được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng các chương trình nghệ thuật được nâng cao với nội dung, hình thức đổi mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trong chương trình nghệ thuật “Tết quê hương” năm 2020. |
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn về chuyên môn của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL), Sở VH, TT và DL đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/NĐ-CP ngày 5-10-2012 quy định về “Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”. Năm 2020, các đơn vị Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tổ chức dàn dựng các chương trình ca - múa - nhạc, vở diễn sân khấu mừng Đảng - mừng Xuân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: chương trình nghệ thuật “Tết quê hương” tại tiền sảnh Nhà văn hóa 3-2 tỉnh; chương trình nghệ thuật khai mạc Hội báo Xuân tại Thư viện tỉnh; chương trình nghệ thuật khai mạc Chợ tết “Một thoáng Thành Nam” tại Bảo tàng tỉnh; tham gia biểu diễn chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Lễ mít tinh chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, biểu diễn phục vụ Hội nghị Biểu dương điển hình phụ nữ tiêu biểu, giai đoạn 2015-2020 của Hội Phụ nữ tỉnh, chương trình chào mừng Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân khu vực III, lần thứ XI-2020 của Bộ Công an tổ chức tại thành phố Nam Định. Bên cạnh việc xây dựng, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, các tiết mục ca nhạc, trích đoạn, tiểu phẩm của các đơn vị nghệ thuật còn lồng ghép tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới; biểu diễn trong các tiết học ngoại khóa về các chủ đề: biển đảo quê hương, phòng chống ma túy học đường, lịch sử Việt Nam, ca ngợi các anh hùng, lãnh tụ dân tộc tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hiện nay, ngày càng có nhiều nhóm, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phong trào tham gia tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giải trí như: giao lưu các câu lạc bộ Hiphop, biểu diễn Acoustic, nhảy hiện đại, khiêu vũ thể thao… Thực hiện chức năng được giao, Sở VH, TT và DL đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật và kiểm duyệt, thẩm định chặt chẽ nội dung chương trình trước khi cấp giấy phép tổ chức biểu diễn; đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện, đảm bảo tính thống nhất và thực thi hiệu quả quy định của pháp luật. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện quy định của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh, Sở VH, TT và DL chỉ cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật cho 14 đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Quy trình tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật và cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật được tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thời gian theo quy định, không xảy ra trường hợp khiếu nại. Phòng Quản lý văn hóa, Thanh tra Sở VH, TT và DL phối hợp với Phòng VH-TT, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra vào thời điểm trước, trong và sau khi kết thúc các chương trình nghệ thuật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, việc quản lý các chương trình nghệ thuật biểu diễn, vui chơi, giải trí do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, ngoài tỉnh về Nam Định tổ chức theo hình thức kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các chương trình nghệ thuật, giải trí theo hình thức xã hội hóa xuất hiện nhiều cả về số lượng lẫn quy mô tổ chức, thu hút đông người dân đến xem. Trung bình, mỗi năm, tỉnh ta có từ 10-20 đơn vị của các tỉnh khác về tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giải trí phục vụ các sự kiện, hội họp của doanh nghiệp, tổ chức…, tạo thêm cơ hội cho người dân được thụ hưởng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng. Nhiều chương trình nghệ thuật có mức đầu tư lớn như các chương trình: trình chiếu hiệu ứng ánh sáng đèn led, ca nhạc… Trong khi phần lớn các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước thì vẫn còn đơn vị chấp hành chưa nghiêm. Chẳng hạn như đơn vị tổ chức phục vụ Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc tại Quảng trường Hòa Bình và chương trình biểu diễn xiếc - tạp kỹ tại Nhà thi đấu Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo bằng âm thanh. Trong những ngày diễn ra các chương trình nghệ thuật này, các đơn vị tổ chức thuê ô tô, xe máy phát loa quảng cáo ầm ĩ tại nhiều tuyến phố nội thành và một số khu vực ngoại thành gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Về nội dung biểu diễn, một số ca sĩ, nhạc công, vũ công ăn mặc phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục khi biểu diễn trong các đêm ca nhạc. Đáng chú ý là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” trong nội dung các chương trình nghệ thuật vẫn diễn ra. Như chương trình biểu diễn xiếc tổ chức cuối năm 2020 tại Nhà thi đấu Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định). Đơn vị tổ chức cho người đi đến cổng các trường mầm non, tiểu học phát tờ rơi quảng cáo với những tiết mục xiếc “xịn” do các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng biểu diễn kèm theo tặng tờ vé xem miễn phí. Do trẻ em không thể đi một mình nên các gia đình đều phải có ít nhất một người lớn đi cùng. Vé bán cho người lớn đi kèm (hoặc trẻ em có chiều cao vượt quy định của đơn vị tổ chức) có giá không hề rẻ, thậm chí gấp đôi, gấp ba giá vé được tặng. Nội dung của đêm diễn cũng không đúng như quảng cáo trước đó của đơn vị tổ chức. Các tiết mục đặc sắc của đêm xiếc “xịn” được các em nhỏ háo hức chờ đợi thì “mất hút”, thay vào đó là những tiết mục tẻ nhạt, nhàm chán. Sân khấu biểu diễn lại nhỏ, sơ sài trong khi lượng khán giả quá đông ngồi chật hết các ghế cao. Số đông phụ huynh và con nhỏ không có ghế để ngồi xem, phải đứng xa sân khấu nên không thể xem được, khiến nhiều người thất vọng bỏ về khi chương trình chưa kết thúc.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thời gian tới, đối với các chương trình nghệ thuật, giải trí do các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân tổ chức, ngành VH, TT và DL và các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đảm bảo chất lượng nội dung và phục vụ khán giả. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình tổ chức sự kiện để đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình nghệ thuật, kịp thời phát hiện, thu hồi giấy phép biểu diễn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị vi phạm các quy định về: niêm yết giá vé, quảng cáo phóng thanh, nội dung chương trình./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng