Chuông đồng là một trong những bảo vật được sử dụng trong các không gian tôn giáo như đền, chùa, nhà thờ, phủ, miếu. Vào thời khắc trước và trong giờ Tý đêm Giao thừa (khoảnh khắc cuối cùng của tháng Chạp năm cũ chuyển giao sang ngày 1 tháng Giêng năm mới), nhiều cơ sở tôn giáo thực hiện nghi thức thỉnh chuông mở đầu cho các nghi lễ linh thiêng như: trừ tịch, tế nam quan, rước lửa, xông đền, xin lộc…
Thượng toạ Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Trụ trì Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định) cho biết: Nhiều năm qua, việc thỉnh chuông đêm Giao thừa đã trở thành thông lệ của nhiều chùa trên địa bàn tỉnh. Tiếng chuông đêm Giao thừa không chỉ đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới mà mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ, khơi dậy trong mỗi người biết từ bi, hỷ xả hướng con người làm điều lành, điều thiện để bản thân, gia đình và xã hội được tốt đẹp lên. Tại Chùa Vọng Cung, từ nhiều năm nay, nghi thức thỉnh chuông, khánh và cầu an được thực hiện trang trọng với sự tham gia của đông đảo phật tử. Trước thời điểm Giao thừa, 2 người cùng lúc đánh 3 hồi 108 tiếng chuông và khánh trong khoảng 15 phút. Kết thúc tiếng chuông cuối cùng là lúc đồng hồ điểm đúng 12h đêm. Lúc này, các vị tăng, ni và phật tử tiếp tục thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an. Thượng toạ Thích Giác Vũ cho biết thêm: Chuông có thể tụ hợp dương khí dưới đất, rung chuông có thể đem dương khí dưới đất xuất ra bồi bổ cho vạn vật. Cho nên, rung chuông vào đêm Giao thừa, 108 phiền não của con người (theo quan điểm nhà Phật) có thể thuận theo tiếng du dương của chuông mà tan biến hết, chào đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Đội tế nam quan làng Hoành Đông, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) tập luyện nghi thức rước đuốc đêm Giao thừa sau khi thỉnh chuông. |
Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có đại hồng chung với chiều cao khoảng 2m dùng vào những dịp lễ trọng của làng. Theo thông lệ hàng năm, từ 23h (giờ Tý) ngày cuối cùng tháng Chạp, dân làng tổ chức trang trọng lễ tế nam quan tại đền. Trước ngày chuẩn bị lễ tế, dân làng lựa chọn người đánh chuông để mở đầu cho lễ tế theo tiêu chuẩn là nam giới, có sức khoẻ tốt, gia đình văn hoá, không có tang chế. Trước khi đánh chuông, người được chọn phải xoa rượu vào tay. Sau khi đánh đủ 3 hồi, 9 tiếng, nghi thức tế nam quan tại Đền Lựu Phố chính thức diễn ra. Thực hiện xong lễ tế, tiếng chuông, trống tiếp tục được gióng lên âm vang báo hiệu thời khắc chuyển giao sang năm mới. Lúc này, các nghi thức, hoạt động dâng hương, cầu cúng của đền và bách gia được triển khai. Quyện trong khói hương trầm là những lời cầu chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn của dân làng thể hiện ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với các xứ đạo, tiếng chuông nhà thờ trở thành “chiếc đồng hồ” gắn liền với con người trong nhịp sống thường nhật, đặc biệt vào dịp tết cổ truyền dân tộc. Ở Nhà thờ Bùi Chu (Xuân Trường), từ 6 giờ tối ngày 30 Tết khi bắt đầu từ tiếng chuông thứ nhất, giáo dân tập trung đầy đủ tại thánh đường, làm các nghi thức dâng Thánh lễ tạ ơn lành Thiên Chúa đã ban trong năm cũ, đồng thời nguyện cầu cho những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Đúng 12h đêm, tại gác chuông nhà thờ tiến hành rung chuông, sau đó, giáo dân còn được tham gia vào hoạt động rút lộc xuân (hái lộc Thánh) đầu năm. Theo đó, lộc xuân chính là những lời hay ý đẹp trích dẫn từ Kinh Thánh, được viết ra giấy treo trên cây hoặc đặt trên bàn để bà con giáo dân rút lộc. Lộc xuân được biên theo chủ đề từng năm như: gia đình, yêu thương, sống phúc âm, tuổi trẻ và gia đình… Rút được lộc xuân, mỗi người sẽ mang về nhà, đặt ở nơi trang trọng và lấy đó làm kim chỉ nam soi mình trong cuộc sống hàng ngày trong cả một năm. Bởi vậy với những người dân xứ đạo, mỗi tiếng chuông giáo đường vang lên tựa như lời nhắc nhở về nét đạo hạnh, về tính thánh thiêng hướng mỗi người sống tốt đời đẹp đạo…
Cùng với những quả chuông được đúc mới phục vụ các nghi thức ở các cơ sở thờ tự, điều đáng mừng trong công tác xã hội hóa các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa của các địa phương trong tỉnh đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần bảo tồn kiến trúc, tránh nạn đánh cắp cổ vật ở các di tích, trong đó có chuông đồng cổ. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, chuông đồng cổ ở tỉnh ta hiện nay chủ yếu có niên đại thời Lê - Nguyễn và một số chuông thời Tây Sơn. Một số chuông đồng thời Lê - Nguyễn tiêu biểu ở tỉnh ta như: Chuông Đền Võng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản); chuông Chùa Hồ Sen, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); chuông Đền Đông, xã Thành Lợi (Vụ Bản); chuông Chùa Anh Quang, xã Hải Bắc (Hải Hậu), chuông Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực)… Chuông đồng cổ thời Tây Sơn tiêu biểu như: chuông Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định); chuông Chùa Gôi, thị trấn Gôi (Vụ Bản); chuông Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); chuông Chùa Thuận An, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); chuông Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… Nhiều địa phương như: xã Xuân Hồng (Xuân Trường); thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); thị trấn Nam Giang (Nam Trực); xã Giao Phong (Giao Thủy); xã Hải Trung (Hải Hậu)… đã huy động các tổ chức, cá nhân, du khách thập phương phát tâm công đức hàng tỷ đồng để trùng tu khuôn viên di tích, tôn tạo, xây dựng gác chuông tạo sự hài hòa của các di tích.
Tiếng chuông linh thiêng trong đêm Giao thừa mang đậm giá trị văn hoá được kết tinh từ hàng nghìn đời nay thể hiện tính nhân văn, ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân. Dù ở bất kỳ nơi đâu, những người con xa quê cũng mãi nhớ từng nhịp chuông ngân vang đêm Giao thừa./.
Bài và ảnh: Viết Dư