Làng An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) là vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng mang đậm bản sắc. Đền An Cư là một trong tổng số 19 ngôi đền cổ trên địa bàn huyện Xuân Trường được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh việc bảo vệ vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật, nhiều năm qua, người dân địa phương đã khôi phục nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống mỗi dịp hội làng.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền An Cư. |
Đền An Cư được nhân dân địa phương xây dựng để tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở đất, tạo dựng làng xã, đặt nền móng cho sự phát triển của các dòng họ trên quê hương, đứng đầu là thủy tổ Vũ Quý Công. Theo hồ sơ di tích, thủy tổ Vũ Quý Công, tự Phúc Diễn là người thuộc dòng dõi Vũ Hồn, quê ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Cha ông là thủy tổ Phúc Điền - người có công khai sáng mảnh đất Bình Cư, nay là xã Xuân Ngọc (Xuân Trường). Vào những năm cuối thế kỷ XIV, Vũ Quý Công đã khởi xướng và quy tụ người dân khai khẩn vùng đất ven biển phía nam huyện. Dân làng đặt tên cho vùng đất mới này là An Cư với ý nghĩa ổn định, yên bình, làm tiền đề để lập nghiệp sau này. Sau khi mất, Vũ Quý Công được dân làng suy tôn là Thành hoàng làng và lập đền thờ phụng như một vị thần với mong muốn thủy tổ che chở, phù hộ cho cuộc sống của cộng đồng dân cư. Đền An Cư được xây dựng quy mô bề thế với tổng diện tích trên 4.000m2, mặt quay hướng đông nam. Từ ngoài nhìn vào, các hạng mục kiến trúc của công trình được xây đăng đối. Hệ thống nghi môn đền gồm 3 cổng: Cổng chính giữa được dựng bởi 2 cột đồng trụ cao trên 7m; 2 cổng bên xây đối xứng thiết kế kiểu chồng diêm 8 mái lợp giả ngói ống. Công trình chính của đền xây 3 lớp kiểu chữ “Tam” gồm các hạng mục: Tiền đường (5 gian), trung đường (5 gian) và hậu cung (3 gian). Tòa tiền đường được dựng bởi các bộ phận chính là cột trụ, tường bằng gạch đỏ; các cấu kiện như: xà nóc, vì kèo, câu đầu bằng gỗ lim chắc chắn. Liền với tòa tiền đường là tòa trung đường mái cuốn vòm, lợp ngói nam. Gian giữa trung đường có treo bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm trổ tứ linh: long, ly, quy, phượng kết hợp hoa lá, vân áng theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Cung cấm là nơi thờ tự trang nghiêm nhất của di tích được thiết kế cầu kỳ kiểu chồng diêm 8 mái. Gian giữa cung cấm có bệ thờ xây cao, đặt ngai, bài vị thủy tổ Phúc Diễn và 2 vị thần là Nam Hải Đại vương và Linh Lang Đại vương. Đền An Cư hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị từ thời nhà Nguyễn như: nhang án, bát biểu, kiệu bát cống; tiêu biểu là bức cuốn thư ghi chữ “Khai cơ tổ” bằng chữ Hán và đôi câu đối ghi lại công trạng của thủy tổ Phúc Diễn với nội dung: “Linh địa khởi lâu đài, lễ nhạc y quan kim cổ thịnh/An Cư hưng miếu vũ, thanh danh phong vật địa nhân long” (tức: Dựng lâu đài ở đất linh thiêng, lễ nhạc áo mũ xưa nay hưng thịnh/Chấn hưng miếu vũ tại An Cư, thanh danh phong vật, đất người phồn thịnh).
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, năm 1992, Đền An Cư được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền, nhân dân địa phương đối với di sản văn hoá cha ông để lại. Lễ hội Đền An Cư là lễ hội đầu xuân diễn ra sớm nhất trên địa bàn huyện Xuân Trường được tổ chức vào các ngày mồng 6, 7 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Lễ hội diễn ra các nghi thức tế lễ, rước kiệu trang trọng và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm, bơi chải, đấu vật, hát chèo, bóng chuyền... Đấu vật và bơi chải là các môn thể thao truyền thống mang tinh thần thượng võ ở địa phương từ bao đời nay. Các cuộc thi không chỉ đơn thuần thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, rèn luyện sức khỏe mà còn mô phỏng hình ảnh về cuộc sống của tổ tiên thời kỳ khai hoang, lấn biển, lập ấp. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xưa, sới vật An Cư rất nổi tiếng với “đặc sản” là miếng “đánh gồng” độc đáo chỉ nơi đây mới có. Thời bấy giờ, nhiều đô vật địa phương đã sử dụng thuần thục miếng đánh này để tham gia thi đấu tại nhiều giải vật võ trong Cung đình. Hàng năm, cứ trước ngày mở hội làng An Cư, nhiều đô vật trong tỉnh và một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc đã về đền để đăng ký tham gia thi đấu với mong muốn giao lưu, học hỏi. Ngày nay tinh thần thượng võ vẫn được người dân địa phương duy trì, phát triển qua việc tổ chức các giải vật phong trào. Toàn thôn An Cư hiện có trên 20 đô vật cùng 2 sới vật lớn ở xóm 4 và xóm 16. Hàng năm, thôn An Cư có nhiều đô vật tham gia biểu diễn tại các lễ hội xuân trong tỉnh; đồng thời đóng góp tích cực cho phong trào thể dục thể thao của tỉnh với nhiều vận động viên tiêu biểu tham gia Giải vô địch vật tự do, vật cổ điển toàn quốc và giành giải cao. Bơi chải là cuộc thi được tổ chức sau khi khai hội Đền An Cư và thi đấu trong các ngày diễn ra lễ hội. Để chuẩn bị cho giải đấu, vào cuối tháng Chạp trước Tết Nguyên đán, các đội đua đã tổ chức bao sái thuyền, chải, tuyển chọn các tay chèo có sức khỏe, dẻo dai, có kinh nghiệm sông nước tổ chức tập luyện, để tạo sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng. Cuộc thi xuất phát tại sông cầu Đình với sự tham gia của cả 10 xóm trong xã, thành phần hơn 200 tay chải bao gồm các đội chải nam và nữ. Trước khi thi đấu, các tay chải mặc trang phục truyền thống màu xanh, vàng, đỏ sặc sỡ, đầu quấn khăn khiêng chải ra sân đền làm lễ dâng hương các vị tổ tiên rồi mới ra sông làm lễ hạ chải để thi đấu. Đường đua của đội chải nam (8km), bắt đầu từ cầu Đình đến giao điểm sông Mã rồi quay về điểm xuất phát; đường đua của đội nữ dài (5km) cũng xuất phát từ cầu Đình đến điểm giao cầu Đá rồi quay về điểm xuất phát. Trong mỗi cuộc đua, hai bên đường, người dân nối đuôi nhau reo hò, cổ vũ, tiếng chiêng, tiếng trống nhộn nhịp khiến không khí ngày hội làng vô cùng sôi nổi, náo nhiệt mỗi dịp đầu xuân mới.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động phần hội trong lễ hội Đền An Cư không được tổ chức; tuy nhiên, người dân địa phương vẫn được tham gia vào các nghi lễ trang trọng của đền như: tế lễ, rước kiệu trong phạm vi dòng họ, làng xã. Xen giữa các nghi thức tín ngưỡng tâm linh là các chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc do các đội văn nghệ địa phương biểu diễn, vừa tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, động viên quần chúng nhân dân hăng say lao động sản xuất trong những ngày đầu năm mới./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng