Thư viện tỉnh đẩy mạnh công tác luân chuyển sách báo phục vụ bạn đọc

05:01, 08/01/2021

Không chỉ tổ chức các hoạt động sưu tầm, lưu trữ tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc tại chỗ, những năm qua, Thư viện tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh huy động các nguồn lực xây dựng, củng cố mạng lưới thư viện cơ sở; tăng cường luân chuyển, tổ chức phục vụ sách, báo bằng xe thư viện lưu động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thông tin, nâng cao trình độ dân trí.

Xe thư viện đa phương tiện phục vụ lưu động tại Giáo xứ Xuân Chính, xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Xe thư viện đa phương tiện phục vụ lưu động tại Giáo xứ Xuân Chính, xã Hải Xuân (Hải Hậu).

Từ nhiều nguồn cung cấp tài liệu như: Chương trình mục tiêu quốc gia, Thư viện quốc gia, các nhà xuất bản, sách trao đổi, biếu tặng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân…, kho sách luân chuyển của Thư viện tỉnh thường xuyên được bổ sung với số lượng từ 1.000-2.000 bản/năm. Đến nay, kho luân chuyển của Thư viện tỉnh có trên 24 nghìn bản sách ở các lĩnh vực: văn hoá, xã hội, y tế, nông nghiệp, pháp luật, đời sống… Mỗi năm, Thư viện tỉnh tổ chức trên 100 đợt luân chuyển sách xuống cơ sở cùng hàng chục chuyến xe thư viện lưu động đến các điểm dân cư trên địa bàn. Không chỉ đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin đa dạng và ngày càng cao của độc giả, Thư viện tỉnh còn quan tâm tới việc trang bị cho bạn đọc kỹ năng sử dụng thư viện, phương pháp đọc sách hiệu quả; tìm kiếm, định hướng lựa chọn thông tin… Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức xã hội về sự cần thiết của việc đọc và học, xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh. Thư viện tỉnh, Bưu điện tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp luân chuyển, quản lý sách, báo giữa Bưu điện tỉnh/huyện đến Bưu điện văn hóa các xã, thị trấn phù hợp với nghiệp vụ thư viện và yêu cầu thực tế của từng địa phương. Từ năm 2013 đã biên soạn nội dung hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cho cán bộ phụ trách các Thư viện huyện, Bưu điện văn hóa xã để tổ chức các hoạt động luân chuyển, phục vụ sách, báo, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Từ năm 2016 đến năm 2019, mỗi năm Thư viện tỉnh luân chuyển đến 100 điểm Bưu điện văn hóa xã mỗi điểm khoảng hơn 100 bản sách. Từ năm 2014 đến nay đã luân chuyển được 38.900 bản sách đến 198 điểm Bưu điện văn hóa xã, mỗi điểm phục vụ trung bình gần 3.000 lượt sách, trên 6.000 lượt bạn đọc/năm. Qua khảo sát tại một số điểm Bưu điện văn hóa xã, sau khi việc luân chuyển sách, báo được tiến hành đã có những chuyển biến tích cực trong việc thu hút, hấp dẫn độc giả tìm đến để đọc sách, tra cứu thông tin. Ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản và thành phố Nam Định, nhiều năm trước khi dịch vụ viễn thông di động phát triển, tình trạng chung của các điểm Bưu điện văn hóa xã thường vắng khách nhiều điểm gần như trong tình trạng đóng cửa. Còn hiện nay, theo phản ánh của các điểm Bưu điện văn hóa xã, toàn bộ sách được luân chuyển từ Thư viện tỉnh đã được sử dụng, bước đầu thu hút người dân đến tìm đọc sách báo.

Ở huyện Hải Hậu, các điểm Bưu điện văn hóa xã ngoài thực hiện các nhiệm vụ truyền thống như: chuyển tiền, chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện EMS trong nước và quốc tế, huy động gửi tiết kiệm bưu điện, cho vay tín dụng… thì khu đọc sách báo được duy trì mở cửa tối thiểu 4 giờ/ngày theo quy định. Tủ sách tại mỗi điểm Bưu điện văn hóa xã có từ 200-400 bản sách, từ sách tra cứu thông tin về phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, chăm sóc, thâm canh cây trồng để phát triển kinh tế đến sách văn học - nghệ thuật, giải trí, chăm sóc sức khỏe, khoa học, báo, tạp chí… Anh Trần Văn Phú, xã Hải Hà cho biết: Tại điểm Bưu điện văn hóa xã, ngoài các dịch vụ thông tin liên lạc, chúng tôi còn được thụ hưởng nguồn thông tin tri thức, nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ và đời sống văn hoá tinh thần. Hàng ngày, người dân địa phương tới gửi bưu kiện, bưu phẩm, tranh thủ đọc sách, báo, trao đổi kinh nghiệm kiến thức đọc được từ những cuốn sách phục vụ cho nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Do không có điều kiện đi xa để đến Thư viện huyện nên người cao tuổi ở địa phương coi điểm Bưu điện văn hóa xã là địa chỉ để đọc sách, báo; học sinh trong thời gian nghỉ hè đến tìm đọc sách truyện, báo… Đây là một trong những mô hình cung cấp thông tin văn hóa hữu hiệu, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Học sinh Trường Tiểu học Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đọc sách tại xe thư viện lưu động đa phương tiện.
Học sinh Trường Tiểu học Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đọc sách tại xe thư viện lưu động đa phương tiện.

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 417 ngày 1-6-2017 giữa Sở VH, TT và DL và Sở GD và ĐT về việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao trong trường học, giai đoạn 2017-2020, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các trường tiểu học, THCS, THPT tổ chức phục vụ xe thư viện lưu động và luân chuyển sách tới thư viện các nhà trường. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển tới hàng chục trường học với gần 10 nghìn bản sách, trung bình 6 tháng 1 đợt, mỗi đợt từ 500 đến 1.000 cuốn sách. Việc luân chuyển tài liệu từ Thư viện tỉnh đến các thư viện trường học, tủ sách lớp học đã khắc phục được tình trạng thiếu nguồn sách trong các nhà trường. Các đầu sách được luân chuyển đa dạng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh các cấp học. Sau khi tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện từ Bộ VH, TT và DL, từ tháng 5-2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức trên 100 chuyến xe thư viện lưu động đến các trường học phục vụ nhu cầu đọc sách, của học sinh, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường. Hàng năm, Thư viện tỉnh còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cho các thủ thư trường học, cài đặt phần mềm thư viện trường học; tiêu biểu như các Trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Khuyến, Nam Trực, Nguyễn Du, Trần Văn Bảo, các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Tống Văn Trân, Lý Thường Kiệt, Đại An, Tân Khánh, Hiển Khánh… Các buổi phục vụ lưu động tại các nhà trường của Thư viện tỉnh thường gắn các chủ đề như: “Ngày hội sách cho em”, “Hành trang tri thức cho em”, “Đọc sách vì ngày mai”, “Niềm tin và hy vọng”, “Tri thức và tương lai”… Các “chuyến xe tri thức” còn kết hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi tập thể (phiên bản game show) nhằm đánh giá vốn kiến thức của học sinh như: Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ, Đọc sách (Ai nhớ nhiều nhất), Chiếu phim thiếu nhi (về gương hiếu học, gương danh nhân, gương nhân vật lịch sử…) rất được học sinh ưa thích.

Công tác phục vụ lưu động sách, báo đến các đơn vị lực lượng vũ trang cũng được Thư viện tỉnh quan tâm thực hiện theo Kế hoạch số 102 ngày 19-1-2018 giữa Công an tỉnh và Sở VH, TT và DL, Thư viện tỉnh phối hợp với một số phòng, ban nghiệp vụ Công an tỉnh tổ chức, sắp xếp kho thư viện tại các đơn vị; tổ chức luân chuyển sách, báo, phục vụ xe ô tô thư viện lưu động đến các đơn vị công an huyện, thành phố, trại tạm giam trong tỉnh. Đặc biệt, hàng năm, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (PX03) Công an tỉnh tổ chức phục vụ hiệu quả nhu cầu đọc sách báo của giáo dân, nhân dân tại các địa phương trong tỉnh nhân Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19-8). Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Hội Người mù tỉnh, Phòng VH-TT, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố tổ chức các đợt luân chuyển sách, báo đến các Thư viện huyện, tủ sách nhà văn hóa khu dân cư. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ xuống các thư viện cơ sở để hướng dẫn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện…

Đồng chí Ngô Thị Thơm, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiệu quả lớn nhất của việc luân chuyển sách, báo đến các thư viện, phòng đọc sách cơ sở là giúp người dân ở các địa phương có cơ hội tiếp cận sách báo, nguồn tri thức của nhân loại, cập nhật thường xuyên các kiến thức khoa học, kỹ thuật tiến bộ để phát triển kinh tế. Bằng những hoạt động thiết thực, Thư viện tỉnh trở thành “cánh tay nối dài” đưa tri thức về cơ sở, thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn, đảm bảo bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin, góp phần phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu rộng trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com