Nhà thơ Phạm Trọng Thanh như tôi biết...

07:01, 01/01/2021

Một sáng xuân năm 1984, một bạn thơ ghé thăm, cho tôi mượn tập thơ Khúc hát tặng nhau (NXB Tác phẩm mới - 1983). Sách khá dày đứng tên bốn nhà thơ. Với riêng Phạm Trọng Thanh, tôi có cơ duyên được đọc thơ trước khi gặp tác giả. Phần “Năm tháng tôi yêu” gồm 14 bài thơ là những rung động thật, làm nên một gương mặt riêng. Tôi thích phần thơ này của anh: Trẻ trung, có sự tìm tòi trong cấu tứ và biểu đạt, có những phát hiện mới và sắc. Đặc biệt là thơ chất chứa những nỗi niềm, tình cảm đằm sâu, có những câu ánh lên vẻ đẹp của tưởng tượng, liên tưởng... có những câu đến giờ tôi còn thuộc. Gấp sách lại, thầm nghĩ: Người này đường thơ sẽ còn tiến xa... Sau đó ít ngày, tôi đã gặp chính tác giả. Dáng thư sinh, mặt tươi sáng, giọng ấm, tiếng vang, với nụ cười tươi hiền và cái bắt tay ấm áp, anh để lại trong tôi ấn tượng đầu tiên đầy thân thiện, gần gũi. Trực giác mách bảo: Đây là con người nhiệt thành thiên về tình cảm và không bao giờ biết làm điều ác.

Nhà thơ Phạm Trọng Thanh.
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh.

Từ ngày trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh, tiếp xúc với Phạm Trọng Thanh thường xuyên hơn,  tôi thấy anh là người đặc biệt, không thích nói nhiều về mình. Vì thế , cứ mỗi ngày biết thêm, hiểu thêm về Phạm Trọng Thanh một chút, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đời anh trải qua nhiều khúc đoạn gian truân, phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt, dữ dội.

Phạm Trọng Thanh sinh năm 1942 ở một làng quê nghèo, người dân hiền lành chất phác. Đó là thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Hùng, nay là thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Anh là con thứ hai trong một gia đình đông con, cũng là một gia đình trung lưu có truyền thống và nền nếp gia đạo: Trọng lễ - Trọng nghĩa - Trọng người có chữ. Ông nội vốn là nhà Nho, là một thầy đồ có uy tín dạy cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Cha mẹ anh đều làm ruộng và thêm nghề thủ công, sống hiền lương, thích làm điều nghĩa, việc thiện. Cha thích đọc sách, tháng 8-1945 từng tham gia đoàn biểu tình lên Phủ Xuân cướp chính quyền và sau đó làm chủ tịch lâm thời Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Dân. Mẹ thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và thường đem vốn ấy dạy bảo về đường ăn nhẽ ở cho con cháu trong nhà. Năm 1956, gia biến ập đến, cậu thiếu niên đa cảm khi ấy “đắng cay” nhận ra mình giữa quê hương: “Anh lạc loài bên lối cũ tầm xuân...” (Mùa gặt quê nhà).

Năm 1960, anh lên thành phố kiếm việc làm và năm 1962 được tuyển làm công nhân Xí nghiệp Gỗ Nam Định. Cũng tại đây, anh có những sáng tác thơ đầu tay. Bài “Trồng cây” in trong tập san của Ty Văn hóa Nam Định số Tết năm Ất Tị (1965), Bài “Gặp em” được trao giải Nhất thơ Nam Hà, cuối năm 1965. Xí nghiệp Gỗ Nam Định kề bên sông Đào là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Hè 1967, bị bom vùi, may thoát chết. Ngày ấy, anh tham gia lực lượng tự vệ cứu sập, đào bom nổ chậm trong thành phố, tham gia lực lượng văn nghệ thành phố phục vụ chiến đấu, không quản ngại việc gì.

Đầu năm 1975, từ biệt vợ con lên đường nhập ngũ, tham gia đơn vị phối thuộc H4, Đoàn 770, miền Đông Nam Bộ, vận chuyển vũ khí. Tháng 8-1976, cùng đợt ra quân chuyển ngành với nhà thơ Phạm Như Hà, anh về nhận công tác ở Văn phòng Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh rồi trở thành cán bộ của cơ quan Hội. Anh được bầu vào Ban Chấp hành Hội các khóa II, III, IV, V, được phân công làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh (1989-1991); phụ trách công tác xuất bản của Hội (1994-2000), Trưởng bộ môn Thơ khóa II và 3 năm cuối khóa V, Ủy viên Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định (1997-2005).

Anh là người con chí hiếu cũng là người rất thương yêu vợ con. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh tự nguyện xin nghỉ học, ở nhà lao động đỡ đần cha mẹ, tạo điều kiện cho các em đi học. Khi rời quê, lúc đi xa, ở đâu cũng nhớ về cha mẹ. Thơ anh có hẳn một vệt bài viết về cha mẹ khá sâu sắc, cảm động. Một đoạn đường làng đưa cha về cõi thiên thu trong cơn mưa “Bay nghiêng hạt sáng thiên hà” mà anh thấy hun hút thăm thẳm: “Đường quê bỗng hóa đường xa tận trời” - (Con đường rắc vỏ trấu vàng). Khi đứng trước cánh đồng quê, anh thầm gọi mẹ rồi đau đớn nhận ra: “Con giật mình tóc bạc đã mồ côi” - (Lặng lẽ cánh đồng). Người sắp bước vào cái tuổi “hạt lệ như sương” - vẫn thảng thốt xót thương cho phận mình vì nỗi mất mẹ.

Nhà anh ở số 6/22, Ngô Quyền, thành phố Nam Định , tên phố đã vào thơ Tạ Tiến tặng Phạm Trọng Thanh: “Chiều đi dọc phố Ngô Quyền/ Chợt bờ sông một dáng thuyền treo nghiêng”... Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh trong căn nhà ấm áp này và cũng ngộ ra nhiều điều. Người bạn đời của anh, chị Hoàng Thị Tươi dịu dàng, phúc hậu, đảm đang và mến khách. Nét duyên dáng của một “hoa khôi đồng nội” xưa như còn vương vấn trên khuôn mặt dịu hiền tươi tắn như tên gọi của chị. Phải chăng, chị chính là người từng chữa lành “vết thương không chảy máu” trong bài thơ “Mùa gặt quê nhà” của anh? Tôi thích câu thơ anh viết về chị một cách ý nhị: “Cạnh chao đèn khe khẽ bóng trăng lên” - (Nhớ về Nam Định). Yêu các con, anh không chỉ làm thơ, anh còn ghép tên ba con của mình thành bút danh Hoàng Tuấn Phương như nhiều người đã biết.

Một nét nữa dễ thấy: anh là người khát học - khát đọc - khát viết. Học - đọc -viết đã thực sự trở thành lẽ sống của anh. Do hoàn cảnh và thực tế đời sống, anh sớm nhận ra chân giá trị của câu châm ngôn: “Học để hiểu biết, học để làm việc, học để làm người” nên khi lăn lộn trong trường đời, anh đã thực hiện nó một cách nghiêm túc, “vừa làm vừa học” như: học nghiệp vụ Sư phạm để làm giáo viên bổ túc văn hóa kiêm chức; học chương trình kinh tế tại chức để làm cán bộ kế hoạch trước khi nhập ngũ. Khi về Hội công tác thì tự học chương trình Văn - Sử ĐHSP Hà Nội 1; học tiếng Anh hệ tại chức 5 năm (1979-1983) lấy chứng chỉ tốt nghiệp do Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội cấp; tự học chữ Hán và theo học lớp chuyên tu Hán Nôm (1979-1980) của Hội mở, giáo sư Bùi Văn Nguyên từ Hà Nội về giảng bài.

Phạm Trọng Thanh rất ham đọc sách. Từ bé đã lặng lẽ tìm hiểu và đọc sách báo trong tủ sách gia đình. Lớn lên còn say mê hơn, có thể đọc bất cứ lúc nào, trừ khi làm việc. Anh có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Có một trí nhớ tốt đó là lợi thế của anh. Công tác 30 năm liên tục ở cơ quan Hội, nơi gặp gỡ hội tụ những văn nghệ sĩ hàng đầu, những cán bộ, chuyên viên đầu ngành của tỉnh là nơi anh có thể học hỏi, làm giàu thêm vốn sống, vốn tri thức để trở thành một chuyên viên có năng lực hoàn thành tốt công việc được giao. 

Thi ca là con đường anh lựa chọn và tự nguyện dấn thân với toàn bộ sức lực và tâm trí của mình. Cho đến nay anh đã có 10 tập thơ do các nhà xuất bản Trung ương cấp phép. Anh cũng đã 14 lần được nhận giải thưởng văn học ở tỉnh và Trung ương. Bởi thế, từ lâu, tác giả Phạm Trọng Thanh được giới cầm bút và bạn đọc yêu thơ cả nước biết tên, mến mộ và yêu quý. Thơ anh qua nhận định của các nhà thơ: Vũ Cao, Trần Lê Văn, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Ngô Văn Phú, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Trần Trung, Nguyễn Minh Khiêm; các nhà nghiên cứu, phê bình: Hồng Diệu, Đỗ Thanh Dương, Nguyễn Công Thành... cho thấy thơ anh đã giành được thiện cảm của những người đồng nghiệp có uy tín trong giới văn chương, học thuật.

Phạm Trọng Thanh bước vào con đường sáng tạo thi ca với một ý thức rất rõ ràng. Anh quan niệm: “Văn chương là vẻ đẹp tâm hồn và tư tưởng của một dân tộc. Thơ là tinh hoa của văn hóa dân tộc. Sáng tác văn chương đòi hỏi người cầm bút phải có tài năng, vốn kiến thức sâu rộng, vốn sống phong phú. Nhưng để trở thành một tác giả chân chính còn phải có bản lĩnh và nhân cách nhà văn. Đây là việc phải phấn đấu suốt đời”. Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó.

Đọc anh, tôi thấy một hồn thơ nhạy cảm, dễ rung động. Vốn là người từng trải, chỉ cần một va đập nhẹ vào hiện thực cũng đủ làm nó xao động tạo thành một dư chấn trong tâm hồn. Mỗi sự kiện trải qua, mỗi vùng đất chạm tới, mỗi mảnh đời đã gặp, anh đều có thơ ghi lại. Vì thế, đề tài thơ anh phong phú, sức bao ôm hiện thực rộng. Cảm hứng quê hương trong thơ Phạm Trọng Thanh thật đậm nét. Thơ Phạm Trọng Thanh giàu chất trữ tình với khá nhiều cung bậc, màu sắc, nhạc điệu, không thiên về triết lý. Câu chữ dung dị, không làm điệu, lên gân, không rắc rối cầu kỳ, dễ hiểu và gần gũi, từ lời thơ nền nã, giàu hình ảnh.

Về hình thức, thơ Phạm Trọng Thanh không có những thể nghiệm, tìm tòi, phá cách, đột biến, khác lạ về hình thức nhưng đa dạng về thể loại. Thơ lục bát, thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, thơ tự do, thơ văn xuôi... Nhìn chung, thơ lục bát của anh nhuần nhị, nhuyễn hơn. Nhiều bài thơ có nhiều câu hay thể hiện sự tài hoa, sự rung cảm sâu sắc của tác giả. Tôi thích những bài: Con đường rắc vỏ trấu vàng, Lặng lẽ cánh đồng, Mùa gặt quê nhà, Anh hề con gái, Bên vòng tròn ca dao, Buổi ấy Đại Hành hoàng đế đi cày, Ghi chép thơ ở một làng binh trạm, Gửi Xô Ny, Đường đi của những quả đạn, Tìm người lên Kinh năm ấy, Cây bồ kết bên đường, Thi khúc Bình Định. Tôi cho đấy là những bài hay nhất của Phạm Trọng Thanh. 

Tất cả làm nên một giọng điệu riêng không trộn lẫn của thơ Phạm Trọng Thanh. Chúng ta đều biết, không phải ai làm thơ lâu năm, đã ra nhiều đầu sách thơ là có phong cách...

Nguyễn Chí Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com