Cùng với sự bùng nổ của kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện (Multi media) đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho truyền thông. Bên cạnh những mặt tích cực như giúp con người cập nhật nhanh hơn, chính xác hơn các nguồn thông tin, hay thể hiện các tố chất cá nhân dễ dàng hơn ra trước cộng đồng, thì những mặt tiêu cực của nó cũng khiến chúng ta hoang mang trước sự mai một, hỗn loạn các giá trị truyền thống.
1. Mạng xã hội phong phú, các kênh phát hành cũng đa dạng hơn, cả thế giới thu nhỏ trong lòng bàn tay chỉ nhờ một chiếc smart phone, hay một chiếc máy tính bảng. Sự lan tỏa thông tin từ Facebook, Twitter, Zalo, hay các kênh YouTube, các blog,… đã khiến cho những công chúng, độc giả, khán thính giả dễ dàng trở thành các nhân vật truyền thông chỉ nhờ một cú click. Chính trong 20 năm đầu thế kỷ này, chúng ta chứng kiến nhiều hiện tượng văn hóa tự nổi lên trong cộng đồng mạng rồi lại tự lụi tắt. Nhưng những hệ lụy từ những hiện tượng đó có tác động sâu sắc đến nhận thức, đến hệ tư tưởng đạo đức thẩm mỹ của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ vốn còn không ít hạn chế, non nớt trong nhận thức về các giá trị.
Nếu như trong hệ giá trị truyền thống, danh tiếng của các nhân vật làm văn hóa được khẳng định bằng những tài năng và sự đóng góp tích cực của họ với xã hội thông qua những hoạt động nghệ thuật, những sáng tạo nghệ thuật của họ đạt những giá trị lâu dài với thời gian; thì ở thời đương đại, trong không gian số, một thế giới ảo, các giá trị ấy lại được định giá một cách rất ảo và được tung hô, đề cao, khiến chính nhân vật trong cuộc cũng ảo tưởng về bản thân. Chúng ta chứng kiến những câu chuyện hài hước nhưng không ít ý vị chua chát về những nhân vật như Lệ Rơi, Bà Tưng, Bà Tân Vlog, những con người bất tài nhưng lại là sản phẩm của truyền thông đa phương tiện, được cộng đồng ảo tung hô. Chỉ cần một đoạn clip tự quay với những chiêu trò, rồi tự đăng lên YouTube, tự chia sẻ lên Facebook, họ bỗng chốc trở thành người nổi tiếng nhờ một lượng người theo dõi đông đảo, một lượng tương tác khổng lồ.
Nhiều clip tự quay được đưa lên mạng có nội dung phản cảm, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Ảnh: Internet |
2. Nếu chỉ dừng ở thế giới ảo, câu chuyện sẽ không có gì đáng nói. Nhưng trong hoạt động truyền thông chính thống, có kênh truyền hình được coi là đại diện cho tiếng nói có trọng lượng về các hệ giá trị, lại đưa những trò lố đó lên để quảng bá… Truyền thông chính thống lẽ ra phải là nơi góp phần cầm cân nảy mực, định ra một hệ giá trị chuẩn mực nhưng lại không có chính kiến và hùa theo cộng đồng ảo.
Cách đây vài năm, ca khúc “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng được đưa vào phần đọc hiểu và cảm thụ của một đề thi Văn ở trường chuyên Vĩnh Phúc, đã gây tranh cãi xôn xao trên mạng xã hội về tính chuẩn mực của đề thi đó. Cả phụ huynh và các thầy cô đều hiểu, giống như sách giáo khoa, đề thi phải là thang chuẩn về giá trị thẩm mỹ, tư tưởng để đánh giá năng lực nhận thức ở học trò. Một ca khúc không đạt tính thẩm mỹ, ca từ chắp vá, ngây ngô, được đưa ra để học trò tụng ca thì đó là sự định hướng lệch lạc về thẩm mỹ. Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm khi một nhà giáo, một giáo sư đầu ngành lý luận văn học, người chuyên thẩm định sách giáo khoa lên ca ngợi đề thi đó hay, chọn ngữ liệu tốt.
Theo sau đó, các đề thi ở nhiều trường ăn theo tính thời sự và thời thượng, đưa ca từ trong bài hát của ca sĩ Đen Vâu, đưa những hiện tượng mang tính nhất thời của mạng xã hội vào đề thi cho học trò nghị luận. Những thứ mang tính giải trí nhất thời, nổi tiếng nhờ truyền thông, chưa qua thẩm định của thời gian, dễ dàng chìm vào quên lãng ấy, không thể đại diện cho một hệ giá trị giáo dục nào, nó chỉ phản ánh tầm nhận thức của người ra đề rất thấp và nguy cơ làm lệch lạc thẩm mỹ của học trò.
Truyền thông góp phần quan trọng trong định hướng, xây dựng và phát triển các hệ giá trị đạo đức, thẩm mỹ của con người. Với vai trò quan trọng như vậy, các ngành văn học nghệ thuật và giáo dục chịu nhiều tác động và ảnh hưởng từ truyền thông. Do vậy, muốn góp phần phát triển, gìn giữ và xây dựng một hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh thời đại công nghệ số 4.0, các cấp quản lý về truyền thông cần có sự am hiểu, nhìn nhận nghiêm túc và trách nhiệm về văn hóa nghệ thuật. Truyền thông đa phương tiện có thể biến mỗi công dân thành một diễn viên kiêm đạo diễn, nhà sản xuất, nhưng được phát hành hay không thì nên có sự thẩm định chặt chẽ, để tránh cho những công dân trong thế giới số hóa, hàng ngày nguy cơ phải nhận nhiều rác văn hóa hơn những giá trị văn hóa đích thực./.
THANH NGA (Nguồn: Thời Nay)