Thực hiện Đề án đẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội theo Quyết định số 3123 của UBND huyện Xuân Trường, đến nay việc thực hiện NSVM trên địa bàn xã Xuân Phương đã đi vào nền nếp. Cả 8 xóm trong xã đều xây dựng quy ước nếp sống văn hóa và đưa việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội vào quy ước nếp sống văn hóa khu dân cư; coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Xóm văn hóa”, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ.
Nghi lễ của đồng bào Công giáo tại Nhà thờ Phú Nhai được tổ chức theo các quy ước nếp sống văn minh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Đồng chí Phan Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: Từ năm 2017, xã đã hoàn thiện xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước nếp sống văn hóa xóm trên cơ sở gìn giữ, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Các quy ước nếp sống văn hóa đặc biệt đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, vai trò của nhân dân trong thực hiện NSVM, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội. Triển khai thực hiện đề án của huyện, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh vận động thực hiện NSVM xã; thành lập bộ phận thường trực và các tổ công tác, giúp phụ trách các xóm; kế hoạch triển khai thực hiện đề án, lựa chọn các mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra toàn xã. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, gắn với trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể và người dân; trong đó xác định xóm là địa bàn, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên là nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, cuộc vận động. Trong quá trình thực hiện đề án có sự tăng cường chỉ đạo, kiểm tra của cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể; kịp thời khắc phục những tồn tại, tháo gỡ khó khăn trong cộng đồng dân cư. Sau hơn 1 năm thực hiện đề án đã tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng NTM nâng cao.
Trong thời gian phát động đợt cao điểm thực hiện xây dựng NSVM từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020, toàn xã có 44 đám cưới; trong đó số đám cưới thực hiện theo các quy ước NSVM chiếm trên 70%. Việc làm cỗ và mời cỗ được thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình. Xã chọn xóm Bắc làm đơn vị điểm thực hiện NSVM trong việc cưới; trong đó lấy các gia đình là đảng viên, công chức xã làm mô hình điểm. Đám cưới của anh Bùi Công Tuyến, công chức LĐ-TB và XH xã Xuân Phương và chị Phạm Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Tiến là mô hình đám cưới theo quy ước NSVM đầu tiên ở xóm Bắc. Anh Bắc chia sẻ: “Đám cưới của vợ chồng tôi được tổ chức vào tháng 12-2019. Là cán bộ công chức, và cũng thấy quy ước rất hợp tình hợp lý với điều kiện của mình nên gia đình đã bàn bạc, thống nhất thực hiện theo quy ước vận động trong việc mời cỗ, chọn thực đơn đảm bảo vui vẻ cả chủ và khách. Cách thức tổ chức đám cưới được chính quyền địa phương, gia đình, anh em, bạn bè hai họ và làng xóm ủng hộ nên tôi rất phấn khởi”. Đối với việc tang trong thời gian này đã có 15 đám tang, đều cơ bản thực hiện theo đề án NSVM. Số vòng hoa viếng giảm đáng kể; việc làm cỗ mời khách tràn lan, ăn uống nhiều ngày giảm hẳn. Các gia đình chỉ làm cơm gọn nhẹ phục vụ người trong gia đình, họ tộc. Kể cả đám tang của một đồng chí nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã cũng được gia đình gương mẫu thực hiện theo quy định chung rất được tán thành.
Việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang ở Xuân Phương đi vào nền nếp là có sự gương mẫu đi đầu của các cán bộ, đảng viên, qua đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng để người dân cùng nhau thực hiện. Từ tháng 4 đến tháng 9-2020 là khoảng thời gian xã Xuân Phương tiếp tục duy trì thực hiện đề án. Trong khoảng thời gian này, toàn xã có 13/17 đám cưới và 12/13 đám tang thực hiện theo quy ước; nhiều xóm có tỷ lệ thực hiện đạt trên 90% như các xóm: 1, 2, 4, 5. Các đám cưới đều được tổ chức theo phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, văn minh”. Hầu hết đám cưới tổ chức gọn từ 1-1,5 ngày, không mở loa đài trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ, hạn chế bày thuốc lá, tiếp rượu bia trong cỗ cưới. Tình trạng dựng rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang công trình công cộng giảm, việc đưa, đón dâu bảo đảm quy định về an toàn giao thông và trật tự công cộng... Các đám tang tuân thủ quy định của Nhà nước, quy ước địa phương. Lễ tang do Ban công tác Mặt trận cơ sở chủ trì cùng các đoàn thể tổ chức trang trọng, các hủ tục lạc hậu được cắt bỏ. Các tang gia không để linh cữu người quá cố trong nhà quá 48 giờ... Đặc biệt, đối với việc tang, Ban chỉ đạo đề án xã và Ban công tác Mặt trận cơ sở vào cuộc mạnh mẽ nên việc rải vàng mã trên đường đưa tang, phúng viếng bằng nhiều vòng hoa, lẵng hoa, bức trướng đã giảm đáng kể, nhiều đám tang đã sử dụng vòng hoa luân chuyển, tỉ lệ đám hỏa táng ngày một cao (khoảng từ 10-12 đám/năm). Các nghi lễ sau đám tang như: 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày được tổ chức đơn giản, tiết kiệm trong phạm vi gia đình.
Việc thực hiện tốt quy ước NSVM trong việc cưới, việc tang ở Xuân Phương đã tác động tích cực đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở xã đạt 85%, 7/8 xóm được công nhận “Xóm văn hóa”, tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn kết, phát huy được nhân tố con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Khánh Dũng