Những người chép sử làng

05:08, 09/08/2019

Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, nhiều bậc cao niên ở các địa phương trong tỉnh đã miệt mài tìm hiểu, ghi chép sử làng. Công việc thầm lặng của các cụ đã góp phần làm rõ hơn những sự kiện lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống của mỗi làng quê.

Cụ Vũ Thanh Bình (89 tuổi) ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực) được nhân dân địa phương tôn vinh là “Pho sử sống của làng”. Tuy tuổi đã cao, nhưng cụ Bình vẫn rất tinh anh, minh mẫn khi nói về các sự kiện lịch sử, danh nhân văn hóa ở địa phương. Với cụ Bình, việc nghiên cứu sử làng xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn lớp trẻ địa phương hiểu hơn về cội nguồn. Cụ Bình cho biết: “Thời trẻ, tôi tham gia đội du kích Bắc Sơn - Đồng Lạc rồi nhập ngũ vào đơn vị: E35 đại đoàn 349, Sư đoàn 351 rồi Trung đoàn 158; Trung đoàn 244... Năm 1960, tôi chuyển về công tác tại Đảng ủy ngành Giao thông Vận tải, rồi làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông cơ điện Quảng Ninh… Trong những năm chống Mỹ cứu nước, tôi được làm cộng tác viên Báo Quảng Ninh. Nhiều bức ảnh của tôi đã ghi lại cảnh quân dân hăng hái lên đường nhập ngũ và hàng trăm bài báo phản ánh kịp thời những chiến công của quân và dân ta”. Năm 1990, nghỉ hưu trở về địa phương, cụ Bình tự nguyện sưu tầm tài liệu, chụp ảnh, quay phim các sự kiện của làng… Năm 2008, cụ Vũ Thanh Bình tham gia nghiên cứu và viết về Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi đăng trong cuốn sách “Cụ Nghè Giao Cù”. Để có 23 trang viết, cụ Bình đã dày công sưu tầm tư liệu trong gần 20 năm. Cụ lên Trung tâm Lưu trữ quốc gia tìm tài liệu về Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, so sánh các dữ kiện lịch sử để trùng khớp… Bên cạnh đó, cụ Bình còn biên soạn nhiều tài liệu về “Lịch sử làng Giao Cù”, “Nghề phở làng Giao Cù”… Năm 2015, trong lễ hội làng Giao Cù, được sự cho phép của các cấp chính quyền, cụ Bình đã mở triển lãm ảnh với hơn 100 bức ảnh về làng Giao Cù từ năm 1966 đến nay. Hiện nay, các bức ảnh của cụ Bình vẫn được trưng bày tại Đền Giao Cù phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của làng.

Cụ Vũ Thanh Bình, 89 tuổi, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đang giới thiệu với khách tham quan các bức ảnh được trưng bày ở Đền Giao Cù.
Cụ Vũ Thanh Bình, 89 tuổi, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đang giới thiệu với khách tham quan các bức ảnh được trưng bày ở Đền Giao Cù.

Ở xóm 11, xã Hải Trung (Hải Hậu), cụ Trần Xuân Mậu (87 tuổi) là người đam mê nghiên cứu lịch sử. Từ năm 1962, cụ Mậu đã đảm nhận công việc ghi chép, bảo quản, trưng bày các hiện vật ở nhà truyền thống xã. Trong một lần tiếp đoàn khách nghiên cứu văn hóa của Thụy Điển đến thăm nhà truyền thống xã, sau khi nghe giới thiệu, các vị khách đều tỏ ra bất ngờ bởi vốn kiến thức sâu rộng của cụ. Sự kiện ấy đã giúp cụ có thêm động lực tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử mảnh đất cha ông để giới thiệu với các đoàn khách tham quan. Cụ lặn lội khắp các làng quê trong huyện để ghi chép tài liệu từ lời kể của người dân địa phương, từ bia đá, câu đối, truyền thuyết… Đêm về, trong căn phòng nhỏ, cụ lại thao thức, cặm cụi so sánh, đối chiếu, tìm hiểu, sắp xếp các tư liệu tìm được. Năm 1985, cụ hoàn thành cuốn phả “Họ Trần Thủy Đại xã Hải Trung” trong đó làm rõ nhiều sự kiện lịch sử về nhân vật Thủy tổ Trần Vu và mảnh đất Quần Anh (tiền thân của huyện Hải Hậu). Năm 1992, với vốn kiến thức lịch sử, cụ được mời tham gia biên soạn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trung”. Năm 1997, sau nhiều năm sưu tầm, biên soạn, cụ đã hoàn thành cuốn phả “Họ Trần Hải Hậu” và năm 2000 xuất bản cuốn “Họ Trần - Nguồn gốc và truyền thống” (Nhà xuất bản Thanh Hóa). Trong các công trình nghiên cứu, sưu tầm của cụ Mậu, các nội dung được chia thành từng chương, mục khoa học, có chú giải rõ ràng. Nhiều cuốn sách do cụ biên soạn được các tổ chức khoa học đánh giá là những công trình công phu, dày dặn và có giá trị lịch sử. Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử mở đất Hải Hậu nên những công trình nghiên cứu của huyện như: "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu", "Địa chí Hải Hậu"…, cụ Mậu đều có đóng góp. Trong cuốn "Địa chí Hải Hậu", cụ cùng một cộng sự được giao nhiệm vụ biên tập phần địa lý. Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu" xuất bản năm 2008, cụ được giao biên soạn chương đầu tiên của cuốn sách. Hiện nay, các cuốn sách của cụ như "Quần Anh dấu xưa mở đất" các tập I, II, III đã được đưa vào Thư viện tỉnh và nhiều thư viện trường học của huyện Hải Hậu.

Cụ Bùi Văn Tam (87 tuổi), xã Liên Bảo (Vụ Bản), hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có khoảng 40 công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa quê hương. Tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1960 đến năm 1992, Bùi Văn Tam chủ yếu làm công tác giảng dạy môn Lịch sử tại các trường học ở trong và ngoài tỉnh. Những năm còn đứng trên bục giảng, niềm đam mê khoa học lịch sử đã thôi thúc cụ rong ruổi đến khắp các đình, chùa, miếu mạo ở các thôn, làng để ghi chép tài liệu phát hiện được từ người dân địa phương, từ trong bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản… Trong hàng chục năm nghiên cứu lịch sử, cụ có nhiều tác phẩm chất lượng đã xuất bản như: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh”, “Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2000), “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc” (xuất bản năm 2001), “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2001), “Sự tích các vị thần thờ ở đền làng huyện Vụ Bản”, “Địa chí văn hoá huyện Vụ Bản” (xuất bản năm 2016)… Trong đó, công trình “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” nghiên cứu tổng thể về mảnh đất, con người vùng đất Vụ Bản từ xưa đến nay. Với 9 chương, trên 1.000 trang, “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” nêu bật đặc điểm địa lý, lịch sử, kinh tế và văn hóa của vùng đất Vụ Bản qua suốt chiều dài lịch sử; đồng thời phân tích chi tiết những thuận lợi, khó khăn cũng như thế mạnh đặc trưng căn bản, phổ quát, riêng biệt của đất và người Vụ Bản. Bên cạnh đó, cụ Tam còn nghiên cứu, tập hợp các tư liệu sưu tầm về hệ thống thần phả, tộc phả, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ, các tác phẩm Hán Nôm, các di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện. Từ việc nghiên cứu, sưu tầm nhân chứng, vật chứng và ghi chép lại tỉ mỉ, cụ đã góp phần hỗ trợ các địa phương trong huyện phục dựng lễ hội làng truyền thống.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều người chép sử làng là những bậc cao niên như: Cụ Nguyễn Văn Hóa (84 tuổi), xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) góp công trong việc khôi phục hội làng truyền thống làng Hạ Kỳ trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử, biên dịch các thần tích, câu đối tại di tích. Ông Nguyễn Văn Kim, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã sưu tầm, biên soạn nhiều tài liệu về lịch sử nghệ thuật hát trống quân, sáng tác lời mới dựa trên làn điệu cổ để các thành viên câu lạc bộ trống quân địa phương biểu diễn. Ông Vũ Văn Bằng, thôn Nhự Nương, xã Phương Định (Trực Ninh) dành nhiều tâm huyết, sưu tầm các tài liệu quý về thôn Nhự Nương như các bản hương ước cổ, lịch sử xây dựng các di tích đền, chùa, cầu, các nghi thức tế, lễ… để xuất bản cuốn sách “Nhự Nương xưa và nay”.

Với niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu, những nhà nghiên cứu lịch sử ở các làng quê trong tỉnh đã góp phần không nhỏ lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn lịch sử địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com