Về xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) hôm nay, du khách không chỉ chứng kiến cảnh đẹp của một vùng nông thôn mới trù phú, phát triển mà còn được cảm nhận được những giá trị văn hóa tín ngưỡng thông qua lễ hội tại di tích lịch sử - văn hóa Đền Lựu Phố. Là một trong 13 di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hoá thời Trần của tỉnh, Đền Lựu Phố là công trình tín ngưỡng tâm linh được Thủ tướng Chính phủ đưa vào vùng bảo tồn đặc biệt từ năm 2005.
Lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc. |
Đền Lựu Phố thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264) - vị Thái sư đầu tiên triều Trần. Với 40 năm giữ chức Thái sư, Trần Thủ Độ có nhiều công lao phò vua, giúp nước. Sau khi qua đời, Vua Trần Thái Tông truy tặng ông chức Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Theo sử sách, Đền Lựu Phố được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên. Tương truyền lúc sinh thời Thái sư Trần Thủ Độ đã từng sống và làm việc nơi đây mỗi khi ông về chầu, yết kiến vua Trần và Thái thượng hoàng tại cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa (Phủ Thiên Trường). Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay Đền Lựu Phố vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XVIII). Nằm trong khuôn viên rộng trên 13 nghìn m2, Đền Lựu Phố bao gồm 5 hạng mục chính: Nghi môn, trung tâm đền, nhà tổ, phủ Mẫu, nhà khách. Đền Lựu Phố mặt quay hướng Tây, thiết kế theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”; tiền đường và trung đường có mái lợp ngói nam. Bộ cửa tiền đường và trung đường được gia công bằng gỗ lim; trong đó cửa tiền đường thiết kế theo kiểu bức bàn, 5 khoang; cửa trung đường thiết kế theo kiểu thượng chấn song, hạ bức bàn, 3 khoang. Để tăng giá trị thẩm mỹ cho các cấu kiện kiến trúc, trên các bờ nóc, bờ hồi, các nghệ nhân xưa đã trang trí họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”, “lá lật”, “trúc hóa long” bằng vật liệu gạch vữa; trên các ván mê chạm khắc họa tiết “triện tàu lá dắt”. Cung cấm Đền Lựu Phố xây giao mái với trung đường tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “Đinh”. Bộ cửa cung cấm bằng gỗ lim được gia công kiểu “thượng song hạ bản”, mỗi khoang 2 cánh. Hiện nay, Đền Lựu Phố còn lưu giữ 4 chân tảng đá cánh sen, chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị; tiêu biểu như: khám, ngai, bài vị, tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ; ngai, bài vị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả cùng 5 đạo sắc phong các niên hiệu Duy Tân 5 (1911), Khải Định 9 (1924).
Ngoài thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Đền Lựu Phố còn phối thờ Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Bạch Hoa công chúa, 2 cha con Thám hoa Hà Nhân Giả và Đức Bản cảnh Thành Hoàng. Theo thư tịch cổ, Bạch Hoa công chúa là con Vua Trần Thuận Tông và Thứ phi Diệp Diệu Hiền - người làng Lựu Phố. Bạch Hoa là công chúa cuối cùng của Vương triều Trần. Khi còn nhỏ, công chúa Bạch Hoa có thói quen đọc sách, am hiểu các sách kim cổ. Khi lớn lên, công chúa Bạch Hoa đã từng khuyên cha nhiều việc có ích cho dân, cho nước như: khuyến dân cày cấy, giảm nhẹ thuế nông tang, lập các trạm tuần kiểm thu thuế buôn bán, tuyển chọn người hiền tài giúp vua… Vào tháng 3 năm Mậu Dần (1398), khi thế sự quốc gia do nhà Hồ cai quản, Hồ Quý Ly đã ép vua Trần Thuận Tông rời kinh đô, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Trần Án (3 tuổi) và khuyên vua theo đạo Giáo, đi tu ở Cung Bảo Thanh. Bạch Hoa được Hồ Nguyên Trừng (con trai trưởng của Hồ Quý Ly) thương tình cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Công chúa được đưa tới núi Cẩm Long trên ngọn Bổ Đà (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), nơi có ngôi chùa nhỏ Diên Bình sinh sống. Tương truyền, ở chùa, công chúa Bạch Hoa thích ăn cơm gạo đỏ, uống nước hạt bách, đêm ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống nhân dân yên vui. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi công chúa thường vào rừng hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người nên được nhân dân trong vùng yêu mến. Bạch Hoa công chúa qua đời năm Giáp Tuất (1454). Tuy không mất tại Lựu Phố nhưng dân làng tưởng nhớ công đức của Bạch Hoa công chúa nên lập đền thờ tại quê hương.
Không chỉ là công trình văn hoá tín ngưỡng, Đền Lựu Phố còn là di tích gắn liền với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đền Lựu Phố là nơi cất giữ lương thực, thực phẩm, là địa điểm tập kết, luyện tập của binh sĩ và lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Với những giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, năm 2011, Đền Lựu Phố được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Phát huy giá trị văn hoá truyền thống, những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Đền Lựu Phố đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Trong lễ hội, ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Lễ hội Đền Lựu Phố tổ chức vào ngày 7-7 (âm lịch) hàng năm nhân kỷ niệm ngày Thái sư Trần Thủ Độ đặt chân lên mảnh đất quê hương. Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu; phần “hội” còn tổ chức các giải thể thao mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc như: giải bóng đá phong trào “Hào khí Đông A”, biểu diễn võ thuật cùng nhiều trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật dân tộc: hát chèo, tổ tôm điếm, cờ người, đấu vật… Đặc biệt, trong lễ hội làng Lựu Phố, người dân vẫn duy trì tục cúng Bạch Hoa công chúa với lễ vật là cơm gạo đỏ (hoặc xôi gấc), muối vừng.
Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Phúc thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích Đền Lựu Phố. Ban quản lý di tích thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn xã hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng