Yên Lợi - Vùng quê đậm đặc di sản văn hoá

05:07, 26/07/2019

Là vùng đất cổ, xã Yên Lợi (Ý Yên) hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá. Trên địa bàn xã hiện có 25 di tích gồm: 8 chùa, 11 đình, 6 phủ. Các di tích nơi đây không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn là những công trình mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian.

Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Ngô Xá.
Di tích lịch sử - văn hoá Chùa Ngô Xá.

Ngoài những vật liệu bền chắc và quý hiếm như: đá khối, gạch ngói, đất nung, gỗ tứ thiết, nghệ thuật kiến trúc di tích ở Yên Lợi còn thể hiện qua các công trình văn hoá tâm linh khác như: Phế tích Tháp Chương Sơn, tháp mộ thời Lê - Nguyễn, văn bia thời Nguyễn, tượng Phật A Di Đà thời Lý và các pho tượng thời Nguyễn... Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tháp Chương Sơn (Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện) là công trình kiến trúc Phật giáo được Vua Lý Nhân Tông khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Giai đoạn này, đạo Phật có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội và trở thành quốc giáo nước Đại Việt thế kỷ XI-XII. Thế kỷ XV, khi quân Minh sang xâm lược, tháp bị tàn phá tan hoang chỉ còn lại khu phế tích Tháp Chương Sơn cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị đến ngày nay. Trong hệ thống hơn 200 cổ vật được khai quật trên diện tích 900m2 ở núi Chương Sơn năm 1966-1967, lan can thành bậc (cấu kiện ghép ở 2 bên thành của bậc lên xuống) là một trong số ít hiện vật còn tương đối nguyên vẹn về hình thức và độc đáo về hoa văn trang trí của Tháp Chương Sơn. Lan can thành bậc được các nghệ nhân xưa chế tác bằng kỹ thuật chạm khắc thủ công trên chất liệu đá Đông Triều. Trong số hàng trăm di vật tìm thấy trong đợt khai quật, lan can thành bậc là di vật độc bản và là tiêu bản duy nhất được phát hiện trong các di tích thời Lý ở Việt Nam trang trí hình tượng người trên chất liệu đá. Hiện lan can thành bậc đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Phế tích tháp Chương Sơn cùng với Cụm di tích Chùa Nề, Đền - Chùa Ngô Xá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 2012. Chùa Ngô Xá (tên chữ Phi Lai tự) xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý. Năm 1407, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa bị giặc phá huỷ hoàn toàn. Trong những năm 1667-1669, dưới thời Chúa Trịnh, chùa được Vương Phủ Thị Nội - Lương Thị Ngọc Vinh (vợ Tây Định Vương - Trịnh Tạc) cùng chị gái là Lương Thị Ngọc Phú góp tiền xây dựng lại. Đến thời Nguyễn, chùa được thiền sư Thiềm Quang (quê Thiêm Lộc, nay là xã Yên Chính) về tu hành và di chuyển ngôi chùa từ trên đỉnh núi xuống phía nam sườn núi Chương Sơn như hiện nay. Đình - Chùa Ngô Xá là nơi thể hiện sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo của người Việt thông qua việc thờ tự: Thiên thần, nhiên thần, nhân thần và thờ Phật; trong đó, Chùa Ngô Xá ngoài thờ Phật còn phối thờ vị Nữ thần, hiệu là Sơn Trương Thần Nữ, đình thờ các vị Thần núi trong truyền thuyết. Đình - Chùa Ngô Xá được xây dựng trên khu đất rộng 1.400m2. Bố cục tổng thể công trình từ ngoài vào trong là các hạng mục: Tam quan, nghi môn, sân, nhà tổ, phủ Mẫu cùng công trình kiến trúc trung tâm. Tòa tiền đường chùa được dựng vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân 3 (1909) mang dáng dấp kiểu chữ “Đinh” gồm: Bái đường 3 gian 2 chái, lợp ngói nam, trang trí họa tiết cánh sen; tam bảo 3 gian, xây dựng theo kiểu giao mái bắt vần. Tại nội tự Chùa Ngô Xá hiện còn lưu giữ được 4 tấm bia đá niên hiệu: Cảnh Trị 8 (1670), Cảnh Hưng 20 (1759), Cảnh Hưng 31 (1770), Gia Long 4 (1805). Ngoài các di vật trên, tại Đình - Chùa Ngô Xá, hiện còn lưu giữ một số hiện vật như: các phiến đá, đá vuông, những mảng gạch nung, tháp nung… để xây dựng Tháp Chương Sơn được các nghệ nhân xưa tạo hình đặc sắc, công phu. Bảo vật quốc gia Tượng Phật A Di Đà tại Chùa Ngô Xá là một trong 5 pho tượng có niên đại sớm nhất bảo tồn nguyên vẹn ở Bắc Bộ. Đây là sản phẩm nghệ thuật đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý. Tượng cao 2,16m làm bằng chất liệu đá khối xám xanh (đá cát), có khuôn mặt và dáng hình nam giới, tóc xoắn ốc (nhục khấu). Đầu tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng. Mình tượng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y xếp thành nhiều nếp, ngồi trong tư thế thiền định. Thân tượng liền khối với bệ, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử miệng ngậm ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Bệ tượng hình đài sen, các lớp cánh to, nhỏ xen kẽ hài hoà. Trên mặt cánh sen chạm nổi hình đôi rồng chầu với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế… Phía đông núi Chương Sơn là Chùa Nề, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1.000m2, mặt quay hướng nam, bình đồ hình chữ “Nhị”, gồm 2 tòa: Bái đường và tam bảo. Tại chùa hiện còn bảo lưu được 10 pho tượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, trước chùa còn lưu giữ 1 chân đế bia đá chữ Hán tạc năm 1670. Chân đế nặng gần 9 tấn, dài 2,4m, rộng 1,7m, dày 0,9m, tạc nổi đôi rồng mang dáng dấp rồng thời Lý, thân trơn không vảy, chân khỏe khoắn khoe móng vuốt sắc nhọn mang chầu lá đề. Đây là một trong những báu vật của phế tích Tháp Chương Sơn xưa.

Những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn giá trị các di tích luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Lợi quan tâm đẩy mạnh. Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa xã và các tiểu ban ở các thôn được thành lập, thường xuyên phối hợp với các trường học trong và ngoài xã tổ chức lớp học ngoại khóa giới thiệu lịch sử hình thành di tích và các bảo vật, cổ vật liên quan. Với niềm tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, hàng năm nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động để giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường trong khuôn viên, nội tự các di tích. Từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hoá, từ năm 2013 đến nay, Cụm di tích lịch sử - văn hoá Đình - Chùa Ngô Xá và Chùa Nề đã được trùng tu, xây dựng nhiều hạng mục như: Phủ Mẫu, nhà khách, lầu hóa vàng, tường bao, tam quan, nhà bia, nghi môn với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng. Các di tích lịch sử - văn hoá ở Yên Lợi sau khi được tôn tạo đã khơi dậy, phát huy nguồn nội lực trong việc gìn giữ và phát huy các di sản, góp phần phát triển du lịch tâm linh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com