Tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa

05:07, 19/07/2019

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa cũng như việc bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa là một trong bốn giải pháp quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Trong đó việc thực hiện chính sách xã hội hóa văn hóa đã tăng cường vai trò trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa. Với việc thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, đến nay toàn tỉnh có trên 3.000 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, sân thể thao. Với hệ thống nhà văn hóa từ xã, phường, thị trấn đến các thôn, xóm, tổ dân phố được đầu tư xây dựng đồng bộ, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi. Toàn tỉnh hiện có 870 đội văn nghệ quần chúng, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; gần 1.500 câu lạc bộ thể thao cơ sở, thu hút 30,3% dân số; 18,8% số gia đình thường xuyên tập luyện thể thao. Nhiều địa phương như: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… đã thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở. Ở Xuân Trường, với phương châm: Cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân đóng góp, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng để các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã, thị trấn hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố xây mới nhà văn hóa. Với cách làm đồng bộ, đến nay, toàn huyện có 300/312 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, 12 nhà văn hóa liên xóm. Nhiều xã thực hiện tốt việc xây dựng thiết chế văn hóa như: Xuân Kiên, Xuân Bắc, Xuân Vinh… Ở Nghĩa Hưng, các thiết chế văn hoá của huyện, nhà văn hoá, trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Công trình nhà văn hoá, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố được Nhà nước hỗ trợ từ 20-50% kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, cả 25 xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hoá, trung tâm văn hoá - thể thao; 283 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá.

Học sinh tham quan hiện vật tại Bảo tàng tỉnh.
Học sinh tham quan hiện vật tại Bảo tàng tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 1.330 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 280 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4 nhóm bảo vật quốc gia. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn xã hội hóa, các di tích đều được tu bổ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, góp phần phát huy giá trị các di sản trong đời sống cộng đồng. Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1742/QĐ-UBND phê duyệt giai đoạn 2 dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần” tu bổ 5 di tích quan trọng gồm: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, Đình - miếu Cao Đài bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn khác. Hiện, Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) đang được trùng tu nhà giải vũ đông, tây với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn công đức của nhân dân địa phương và khách thập phương. Đình - miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được trùng tu các hạng mục: tiền tế, trung đường, hậu cung với tổng kinh phí dự toán trên 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhiều địa phương trong tỉnh có di tích lịch sử - văn hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo di tích; tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc... Ở Hải Hậu, từ năm 2017 đến nay, các địa phương có di tích đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp công, góp của tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc gốc. Tiêu biểu như các di tích: Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh; Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc; Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương; Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh; Chùa Cồn, Thị trấn Cồn; Đền An Phú, xã Hải Phong, Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung… được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Huyện Giao Thủy chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích bị xuống cấp. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tiêu biểu như: Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến được trùng tu với kinh phí gần 3 tỷ đồng; Đình Vuông xã Giao Phong được khôi phục với kinh phí 4 tỷ đồng; Đền - Chùa Tồn Thành, xã Giao Thịnh được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng…

Trong lĩnh vực bảo tàng, do nguồn kinh phí hàng năm dành cho sưu tầm tài liệu, hiện vật có hạn nên việc mua các hiện vật, bộ sưu tập quý hiếm, độc đáo là bài toán khó. Trước thực trạng đó, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá; trong đó phát động phong trào sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hiện vật để trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu về di sản văn hoá. Qua đó đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh tiến hành nhiều hoạt động như: Đăng ký, giám định, trưng bày và hiến tặng tài liệu, hiện vật. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh tổ chức trưng bày giới thiệu di sản văn hóa thông qua các sưu tập hiện vật tiêu biểu của các hội viên, các nhà sưu tầm tư nhân khu vực đồng bằng sông Hồng. Tham gia sự kiện có nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện hiến tặng các tài liệu, hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh. Đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận hơn 20 đợt hiến tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với gần 2.500 tài liệu, hiện vật, hơn 1.000 đầu sách nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể.

Ở lĩnh vực Thư viện, công tác xã hội hóa đã đạt được một số kết quả quan trọng. Năm 2018, Thư viện tỉnh được Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn VinGroup tài trợ 1 xe ô tô đa phương tiện mang tên “Ánh sáng tri thức” với tổng giá trị 1,4 tỷ đồng được thiết kế đầy đủ trang thiết bị phục vụ thư viện lưu động gồm: 6 máy tính xách tay và 1 máy chủ, phần mềm ứng dụng, máy chiếu, ti vi, máy phát điện cùng gần 4.500 bản sách ở các thể loại: sách thiếu nhi, sách hạt giống tâm hồn, sách rèn luyện kỹ năng sống, sách khám phá khoa học và đời sống... Ngay sau khi tiếp nhận xe thư viện lưu động, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý trưng bày, phục vụ sách, báo ngoài trời, tra cứu thông tin qua mạng internet tại nhiều địa phương, đơn vị, trường học. Đến nay, xe ô tô thư viện lưu động đã phục vụ trên 50 chuyến với 65 nghìn lượt độc giả, gần 200 nghìn lượt tài liệu luân chuyển và trên 5.000 lượt người truy cập internet. Đầu năm 2019, Thư viện tỉnh tiếp nhận gói tài trợ của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam trao tặng “Tủ sách của những ước mơ” với tổng giá trị 100 triệu đồng, bao gồm: 7 giá sách dành cho trẻ em, hơn 1.300 cuốn sách thiếu nhi từ Nhà xuất bản Kim Đồng, 2 tranh trang trí và thảm trải sàn cho Phòng đọc thiếu nhi... Để phát huy hiệu quả trang thiết bị và các đầu sách từ nguồn xã hội hóa, hàng năm Thư viện tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nguồn lực, sản phẩm và dịch vụ thư viện qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách, Tuần lễ học tập suốt đời, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử thư viện...

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; ưu tiên quỹ đất và đầu tư xây dựng, tu bổ các thiết chế văn hóa và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các khu đô thị mới. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện, nhà văn hoá, câu lạc bộ... góp phần xây dựng xã hội học tập, bồi dưỡng tri thức, giáo dục truyền thống văn hoá và nhân cách con người. Tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hoá. Chỉ đạo, quản lý bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội, di sản văn hoá, thiết chế văn hoá./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com