Thành Nam trong các tác phẩm văn học nghệ thuật

03:06, 28/06/2019

Trong các sáng tác văn học nghệ thuật, một trong những thành công của văn nghệ sĩ trong tỉnh là mảng đề tài về lịch sử, văn hóa, đất và người Thành Nam. Với sự đa dạng về các loại hình: Thơ, văn xuôi, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghiên cứu - phê bình… các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ tác giả đã phản ánh phong phú các góc cạnh của Thành phố Nam Định trong từng giai đoạn lịch sử.  

Với niềm đam mê nghề nghiệp, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Dương Uyên đã có hàng trăm bức ảnh ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thành phố Nam Định trong những năm chống Mỹ cứu nước; từ trận địa pháo bảo vệ bầu trời miền Bắc với những nòng súng hướng thẳng lên cao sẵn sàng nhả đạn diệt giặc, đến các chiến sĩ dân quân tự vệ vừa rời xưởng máy đã khoác súng lên vai đến chốt gác làm nhiệm vụ. Dù ở đâu, khi nghe tin địch đánh phá hoặc quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ, nhà báo Đỗ Dương Uyên đã có mặt kịp thời để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Nhiều bức ảnh nổi tiếng của ông đã ghi lại gương mặt lạc quan của những chiến sĩ, dân quân tự vệ; tiêu biểu như: “Thanh niên Thành phố Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu (1966)”, “Thanh niên xung phong trước lúc vào Nam phục vụ chiến đấu”, “Tự vệ Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh hành quân dã ngoại, sẵn sàng chiến đấu”… Trong đó bức ảnh “Thanh niên Thành phố Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu (1966)” để lại ấn tượng đẹp với hình ảnh về nụ cười rạng ngời trên gương mặt trong trang phục người chiến sĩ trên đường ra chiến trường. Ánh mắt của các nhân vật thể hiện tinh thần lạc quan, hồ hởi dù biết trước có thể hy sinh bất cứ lúc nào khi chiến đấu trong chiến trường ác liệt. Với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lã Thượng Sỹ, ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật hòa quyện vào nhau tạo nên giá trị thông tin và thẩm mỹ trong từng tác phẩm. Đề tài về nữ dân quân là một trong những thế mạnh trong những bức ảnh của Lã Thượng Sỹ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua những bức ảnh: “Vận chuyển muối về kho”; “Khẩu đội kiên cường”, “Xung phong”, “Nữ công nhân tổ khuôn đúc”…, người xem hình dung được không khí lao động hăng say của những nữ công nhân lành nghề, đôi tay thoăn thoắt nối từng sợi tơ đang được gỡ ra từ kén mỏng nhưng trên vai vẫn không rời cây súng, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ quê hương.

Bức tranh “Giờ giải lao của công nhân dệt” của họa sĩ Hồ Y.
Bức tranh “Giờ giải lao của công nhân dệt” của họa sĩ Hồ Y.

Ở bộ môn Mỹ thuật, họa sĩ Trần Trung Kỳ đã vẽ hàng trăm tác phẩm về cuộc chiến đấu anh dũng của người dân Thành Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tiêu biểu như “Họp chợ bên giao thông hào”, “Trực chiến trên nóc ngân hàng”, “Cửa hàng ăn dưới hầm”, “Công ty bông vải sợi bị ném bom”, “Hố bom trên đường ra bờ sông Đào”. Đặc biệt, tác phẩm “Sự sống không bom đạn nào hủy diệt được” với ba gam màu chủ đạo: màu xám thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh, màu xanh tượng trưng cho sự sống đâm chồi và màu hồng mơ ước cho tương lai của dân tộc đã tạo cảm xúc cho người xem niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họa sĩ Hồ Y được mệnh danh là “người lưu giữ hồn Thành Nam” với gần 20 bức tranh vẽ về phố cổ. Những địa danh cổ như: Cảng Nam Định, bến đò Chè, cầu treo Đò Quan, ngõ Văn Nhân, phố nhà thờ Lớn, phố Hàng Song, phố khách người Hoa kiều, phố Hàng Nón, Hàng Nâu, phố Bắc Ninh, phố Hàng Đồng, phố Cửa Đông... của Thành Nam xưa đều được tìm thấy trong tranh của họa sĩ Hồ Y. Các bức tranh của họa sĩ Hồ Y vẽ về phố cổ Nam Định luôn đề cao yếu tố cảm xúc, không lệ thuộc nhiều vào các kỹ thuật bác học hội họa. Các mảng màu trên tranh phố Thành Nam của họa sĩ Hồ Y đa dạng, phong phú, đan xen nhau hài hòa, hợp lý, trong đó gam màu ấm chiếm chủ đạo. Tác phẩm “Cảng Nam Định quê tôi” với chất liệu bột màu tái hiện hình ảnh bến cảng Nam Định năm 1972 khi giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Trên bến cảng lúc này là cảnh chở thóc, lúa từ tàu lên các xe tải vận chuyển vào các nhà kho dựng tạm. Phía sau cần cẩu là hình ảnh cây cầu Treo bắc qua sông Đào. Bến đò Chè Nam Định được thể hiện qua tranh của họa sĩ Hồ Y thật sinh động. Ở đó là cảnh sinh hoạt thanh bình của bến đò xưa; dưới sông tấp nập thuyền ngược xuôi chở hàng hóa; trên bờ các cô, các chị đội thúng, mủng chuẩn bị xuống đò; xung quanh là những dãy tre xanh, có hình ảnh con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ. Bức tranh “Bến đò Chè Nam Định” cùng với bức “Đóng thuyền xi măng lưới thép” của họa sĩ Hồ Y được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm như một tư liệu quý về địa danh Nam Định. 

Ở lĩnh vực thơ, những năm chống Mỹ, nhiều tác giả đã sáng tác các tác phẩm về thể hiện tinh thần lạc quan và ý chí quyết chiến, quyết thắng của người Thành Nam. Bài thơ “Hoa thành phố Dệt” của tác giả Vũ Quốc Ái đã thể hiện sức sống bất diệt ở mảnh đất từng chịu biết bao bom đạn khốc liệt của kẻ thù: “Mùa xuân nay hoa đào thành phố Dệt/ Vẫn tươi đỏ những nụ cười trẻ đẹp/ Và soi trên sóng nước sông Đào/ Hồ Vỵ Xuyên bom ném lối công viên/ Cây lá vẫn bền màu xanh dũng cảm/ Trời thành phố đã nhiều phen tung sấm/ Soi gương hồ thăm thẳm bóng hoa in”. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh với bài thơ: “Khúc ca kéo bè” từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ chống Mỹ do tỉnh phát động viết về những người công nhân xẻ gỗ kéo bè làm cầu: “Ôi thành phố quê ta thành phố rồi sẽ đẹp/ Từng bước từng bước một hò dô ta dô ta/ Tặng cả nghìn cửa sổ cho trời xanh bao la…”. Cùng chung cảm hứng ngợi ca đất và người Thành Nam anh dũng, kiên cường trong sản xuất và chiến đấu, hăng hái trong dựng xây quê hương sau chiến tranh là rất nhiều bài thơ của thế hệ nhà thơ chống Mỹ: “Sắc mùa xuân trên bản đồ quy hoạch” (Vũ Minh Am), “Nhà máy của ta” (Bùi Công Tường), “Viên gạch ở Hàng Thao” (Thanh Tùng), “Nam Định, thành phố tuổi thơ” (Phạm Đình Ân), “Thành Nam ta có cột cờ” (Đỗ Phú Nhuận), “Nhà bưu điện thành phố” (Vũ Ngọc Phác), “Bia căm thù ở Hàng Thao” (Phạm Trường Thi), “Mùa xuân Thành phố Dệt” (Phạm Quốc Tuấn), “Hàng Nâu” (Trần Đắc Trung), “Chợ Rồng” (Phạm Như Hà)… Trần Văn Lợi là một trong số các nhà thơ thế hệ sau sáng tác về Thành phố Nam Định. Bài thơ “Thi khúc Thành Nam” có tính khái quát với lời thơ giản dị, nhẹ nhàng. Những vấn đề được thể hiện trong bài thơ hàm chứa những nét sâu đậm về văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo và nhân văn của đất và người Thành Nam. Tác giả hoài niệm về quá khứ vàng son của triều đại nhà Trần thế kỷ XIII với hào khí Đông A và cũng là nơi khởi nguồn “Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm” đã tô thắm, rạng rỡ sử xanh Đại Việt: “… Nghe thơ Tú Xương mà ngỡ tiếng gọi đò/ Người vẫn đợi nhau sang bờ nhân nghĩa/ Ngòi bút Phổ Minh viết lên trời xanh bao thế kỷ/ Vẫn dáng tài hoa dù biết mấy thăng trầm...”.

Thành phố Nam Định đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới với những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ hôm nay có thêm những tác phẩm hay về Thành Nam hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com