Từ ngày 25-4 đến 10-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND Thành phố Huế tổ chức triển lãm mỹ thuật chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với tên gọi “Họa sĩ Đặng Ái Việt - Nét cọ tạc những tượng đài thời gian”.
Họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu những chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến đại biểu tham dự triển lãm. Ảnh: nhandan.com.vn |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019, đồng thời tri ân anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã không tiếc xương máu, cống hiến, hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Triển lãm là tâm huyết nhiều năm của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, một người con quê hương Tiền Giang, nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 8 năm qua, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để khắc họa 1.700 chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - những tượng đài thời gian bất tử. Những bức chân dung không đơn thuần chỉ là hình ảnh mà còn là tâm hồn của Mẹ, là câu chuyện kể về nỗi đau, chia ly, mất mát và trên hết là sự hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, cho dân tộc. Đây là hoạt động ý nghĩa, truyền đến công chúng thông điệp về ân tình sâu nặng, trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các liệt sĩ nói chung và Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng.
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”
Ngày 26-4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”.
Cuộc thi nhằm mục đích tìm kiếm, chọn lọc và trao giải cho các truyện ngắn xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; tôn vinh người nông dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo ở nông thôn mới; bảo vệ, phát huy các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê, nông thôn, đồng thời phê phán những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa đối với làng quê Việt Nam. Được đánh giá là một đề tài mới mẻ, đặc sắc, bên cạnh những quan niệm đã được biết đến như làng toàn cầu, “Làng Việt thời hội nhập” sẽ mang đến nhiều thách thức cho người dự thi khi khai thác tính hiện thực, chân thật của làng quê Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2021. Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc, trao giải vào tháng 5-2021. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ trao tặng thưởng cho tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất và các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.
54 hoạt động trong Ngày hội sách châu Âu 2019 tại Việt Nam
Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức Ngày hội sách châu Âu 2019 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 2 đến 25-5.
Ngày hội sách châu Âu 2019 sẽ mang đến nhiều tác phẩm, nhiều hoạt động, giúp người tham dự không chỉ tiếp cận gần hơn với nền văn học mà còn với lối sống và văn hóa châu Âu. Năm nay, Ngày hội sách châu Âu 2019 sẽ có 54 hoạt động lớn nhỏ, gồm: Giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, thảo luận văn học, chiếu phim, các hoạt động tương tác, cuộc thi “Sáng tác về các nhân vật châu Âu” và đặc biệt tuần lễ tôn vinh và giảm giá sách châu Âu tại Đường sách Hồ Chí Minh… Với sự đa dạng các tác phẩm đến từ Hội đồng Anh, Đức, Hungary, Pháp, Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Italia, và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ), độc giả mọi lứa tuổi sẽ tìm được những cuốn sách phù hợp với mình. Sau lễ khai mạc diễn ra lúc 18h ngày 2-5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội sẽ là lễ trao giải cho cuộc thi “Sáng tác về các nhân vật châu Âu” do các nước châu Âu và Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành đồng tổ chức./.
PV (tổng hợp)