Viết về đề tài thiếu nhi xưa nay vốn là thế mạnh của các tác giả thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định. Nhiều tác giả đã dành tâm huyết, sáng tác nên những tác phẩm gần gũi với tâm tư, tình cảm của lứa tuổi thiếu nhi, góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho các em.
Để khuyến khích các tác giả sáng tác thơ văn đề tài thiếu nhi, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã xuất bản tập thơ “Quà tuổi thơ”, tập hợp những bài thơ hay viết cho thiếu nhi của các tác giả người Nam Định hoặc đã từng làm việc, sinh sống tại Nam Định như: Vũ Ngọc Bình, Định Hải, Đặng Hiển, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hồng Vinh, Phạm Trọng Thanh, Phạm Trường Thi, Nguyễn Đức Mậu... Với 78 bài thơ đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức biểu cảm, tập thơ đã phản ánh chân thực cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của trẻ em về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Tác giả Đỗ Phú Nhuận với những bài thơ ngộ nghĩnh, giàu tính phát hiện đã khám phá thế giới xung quanh bằng ánh mắt của trẻ em như: “Chú gà con”, “Lưới nhện”… Tác giả Phạm Trường Thi với những vần thơ vừa đơn giản, vừa mang tính giáo dục cao như: “Đầu tiên phải học chữ A/ Để khi chị bế, biết mà reo to/ Sau rồi học đến chữ Ô/ Để khi đến lớp gặp cô em chào…”, hay “Nhớ khi nấu bếp/ Chớ bỏ đi lâu/ Nhỡ ra khê, sống/ Lửa dầu bốc cao…”. Nhiều tác giả khi viết cho các em đều chú ý khơi gợi ký ức tuổi thơ và trí tưởng tượng sáng tạo để nhập vai, cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống con người bằng con mắt hồn nhiên của trẻ thơ, từ đó định hướng kỹ năng sống và cách cư xử với mọi người. Bài thơ “Em hỏi mẹ” của Bùi Công Tường mang đến cho các em bài học giản dị về phép ứng xử: “Mẹ ơi, cái tăm bé tí/ Sao mẹ lại cầm hai tay/ Còn như xô nước rõ đầy/ Sao mẹ một tay xách thế?/ Xô nước mẹ mang đổ bể/ Cái tăm mẹ đưa mời bà”… Có thể thấy, các bài thơ của các tác giả sử dụng lối viết đơn giản, sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh, các động từ, tính từ miêu tả, tính từ chỉ màu sắc. Bởi những loại từ này có khả năng tạo nên sắc thái cụ thể, tác động trực tiếp vào giác quan của trẻ; kích thích và khơi gợi trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ. Từ đó trẻ có thể dễ cảm nhận, dễ hiểu và dễ rung động trước các hình ảnh, nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
Một số đầu sách về đề tài thiếu nhi của các tác giả Nam Định. |
Ở bộ môn Văn xuôi, cố nhà văn Trần Kim Lung nổi tiếng với các tác phẩm truyện đồng thoại: “Ếch cốm quê vùng hồ”, “Non ngàn bừng sáng”, “Tiếng chim quê”, các truyện ngắn dành cho thiếu nhi như “Tuổi thơ bên đồn giặc”, “Cành hoa hoàn chỉnh”. Hiện nay, các tác giả Lê Hà Ngân và Phạm Hồng Loan có nhiều truyện ngắn, tản văn, tùy bút với nhân vật trung tâm là các em thiếu nhi. Tác giả Lê Hà Ngân thành công với các tác phẩm như: “Kem quê một thuở”, “Sau ngày lễ Giáng sinh”, “Cây nấm nhỏ”, “Sao không về mẹ ơi”, “Hoa muống biển”, “Thông điệp gửi mùa xuân”, “Người thắp lửa vạn chài”… Điểm chung trong các tác phẩm của Lê Hà Ngân chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc sống miền chân sóng Hải Hậu. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, lãng mạn và vốn sống của nhà giáo, mỗi tác phẩm của Lê Hà Ngân đều ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc và kết thúc có hậu. Truyện ngắn “Sao không về mẹ ơi” trích trong tập truyện ngắn “Gieo hoa” đoạt giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2017. Truyện xoay quanh nhân vật bé Quang sống cùng người cha thường xuyên uống rượu, bạo hành. Mẹ Quang do không chịu được thói trăng hoa và bị chồng chửi là kẻ ăn bám đã bỏ nhà đi làm xa xứ. Kịch tính khi Quang bị bố bạo hành và bỏ nhà đi. Sau 3 ngày ở ngôi nhà hoang giữa cánh đồng, Quang được người phụ nữ không con đưa về nhà chăm sóc. Kết thúc câu chuyện là sự trở về của người mẹ. Truyện ngắn “Người thắp lửa vạn chài” trích trong tập “Rượu son” đoạt giải Ba do Hội Nhà văn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức viết về người có công và thương binh liệt sĩ. Truyện kể về nỗi đau thất học của những em nhỏ trên sông nước và người cựu chiến binh đã thắp sáng con chữ cho vạn chài về đêm nữa. Những mảnh đời và số phận của trẻ em thiếu may mắn đã được tái hiện sống động dưới ngòi bút của Lê Hà Ngân.
Tác giả Phạm Hồng Loan có một số tác phẩm viết về các nhân vật thiếu nhi như: “Bộ quần áo đồng phục”, “Tiếng ru”, “Góc phố dịu dàng”, “Vị khách bất ngờ”... in trong tập truyện “Phố mưa” (Nhà xuất bản Thanh Niên). Các tác phẩm của chị thường kết thúc có hậu nhưng đọng lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở, suy nghĩ. Tác phẩm “Bộ quần áo đồng phục” xoay quanh nhân vật cô bé Hạ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hạ chưa kịp nhận bộ quần áo đồng phục của lớp đã phải nghỉ học. Em muốn xin lại bộ quần áo đồng phục để thỏa lòng mong ước của cô em gái đang nguy kịch vì mắc bệnh tim. Cô giáo nhờ học sinh tên Thúy mang đồng phục về cho Hạ. Bẵng đi thời gian, Thúy quên việc cô giáo nhờ. Khi Thúy nhờ em trai mang áo đồng phục đến cho Hạ thì đã quá muộn vì em gái Hạ đã mãi ra đi...
Ở bộ môn Nhiếp ảnh, các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh: Trần Thế Long, Chu Thế Vĩnh đã có nhiều tác phẩm về đề tài thiếu nhi. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thế Long bằng các góc máy sáng tạo đã ghi lại những khoảnh khắc của các em thiếu nhi trong cuộc sống thường ngày; tiêu biểu như các tác phẩm: “Tập đọc” (Triển lãm ảnh về đề tài Giáo dục - năm 2005); “San sẻ” (Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Portugal, Romania); “Mẹ và mùa thi” (Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Portugal, Australia”; “Dỗ bạn” (Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Portugal); “Học về” (Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Hongkong)... Ở lĩnh vực hội họa, họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Việt với phong cách vẽ hiện đại theo mô típ Lập thể - Biểu hiện, đề cao yếu tố cảm xúc, phản ánh hình tượng nghệ thuật thông qua cách vẽ gợi hình, gợi ý có nhiều tác phẩm ấn tượng với đề tài thiếu nhi, tiêu biểu như các bức tranh: “Khác biệt hay không khác biệt”, “Kí ức sâu”, “Tuổi thơ nhỏ”... Tác phẩm “Kí ức sâu” được Tuấn Việt sáng tác năm 2018 trên chất liệu sơn dầu. Bức tranh với gam màu xanh chủ đạo gợi sự cô đơn, lạnh lẽo; ở trung tâm, là hình ảnh cậu bé ngồi lặng lẽ ôm gối, khuôn mặt trĩu buồn. Tác phẩm với thông điệp gửi đến các bậc làm cha làm mẹ hãy dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện cùng con trẻ. Tác phẩm “Khác biệt hay không khác biệt” vừa được Tuấn Việt hoàn thành trên chất liệu sơn dầu với gam màu trầm, nóng kết hợp với những mảng khối chia cắt tạo cảm giác giằng xé trong tâm hồn các em nhỏ bị khuyết tật. Thông điệp mà tác giả muốn gửi tới người xem tranh đó là gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để cho các em nhỏ bị khuyết tật luôn tự tin hòa nhập cộng đồng. Tác phẩm “Tuổi thơ nhỏ” đưa người xem trở về sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ thơ; 3 nhân vật chính nhỏ tuổi đang vui đùa thả cánh diều no gió.
Các tác phẩm về đề tài thiếu nhi của các văn, nghệ sĩ Nam Định đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho các em thiếu nhi. Để xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài thiếu nhi ngày càng phong phú hấp dẫn, ngoài sự nỗ lực của các tác giả, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần quan tâm bồi dưỡng, khuyến khích những văn nghệ sĩ trẻ tham gia sáng tác mảng đề tài này./.
Bài và ảnh: Viết Dư