Là vùng đất cổ, Nam Trực hiện lưu giữ và bảo tồn hàng trăm di tích lịch sử văn hóa như đền, chùa, miếu mạo…; trong đó có nhiều di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Gắn với mỗi di tích là lễ hội mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. Tiêu biểu là lễ hội Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động như: lễ rước, đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm, múa rối nước… Đặc biệt nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh Chùa Đại Bi (hay được gọi là Ổi Lỗi) là môn nghệ thuật độc đáo trong các loại hình rối cạn của cả nước.
Di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Đại Bi, nơi lưu giữ nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh. |
Xung quanh sự ra đời của rối đầu gỗ có nhiều huyền tích. Ông Trần Xuân Bình, Trùm phó hội rối làng Giáp Ba cho biết: Tương truyền vào thời Lý, Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong một đêm chèo thuyền dạo chơi vào ngày Tết Thượng nguyên, ngài đã nhặt được một cái bọc trong đó có 6 đầu người. Động lòng trắc ẩn, ngài cho đệ tử tạc 6 tượng gỗ tượng trưng cho 6 đầu người để dạy cho nhân dân ba làng những điều nên và không nên làm. Sáu đầu tượng cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, có nét rất đẹp gọi là “sáu ông Lộng”. Mỗi đầu tượng cao khoảng 40cm, đường kính 30cm, nặng khoảng 3 kg/đầu và có cán cầm tay ở gáy tượng. Sáu đầu tượng được chia làm 3 cặp: Đôi “chúa Lộng” mặt đỏ, miệng rộng có râu ria, tượng trưng cho vẻ chính nhân quân tử; đôi “cóc vàng” sơn mặt màu hồng nhạt, tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước; đôi “tùy trắng” mặt sơn trắng, mũi rất to, miệng rộng tượng trưng cho sự phồn thực sinh sôi nảy nở. Theo truyền thuyết, nhân dân 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư còn sáng kiến thêm 6 đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, cao khoảng 30cm, nặng khoảng 1 kg/tượng. Sáu đầu tượng nhỏ gồm hai pho tượng Tiên, một tượng Chàng, một tượng Hậu, một tượng ông Mách và cuối cùng là tượng ông Chớp. Những đầu tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung tươi tỉnh. Khác với những trò rối cạn khác, ở trò Ổi Lỗi, rối đầu gỗ được gọi là Thánh tượng. Tất cả 12 tượng thánh gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ được gọi là “Thập nhị Thánh tượng”, là nhân vật chính của nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh. “Áo mặc” cho Thánh tượng gọi là the, vừa phủ từ cổ tượng xuống, vừa che tay người cầm trong quá trình múa. Từ năm 1945, Trùm trưởng ba thôn đã xin tạc thêm một bộ tượng tập bằng gỗ mít để các nghệ nhân có thể tập vào các tối mồng 9, 10, 11 tháng Giêng hàng năm. Bởi vậy hiện nay, tại Chùa Đại Bi có 2 bộ tượng là một bộ tượng cổ và một bộ tượng tập. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại thì bộ tượng cổ được lưu giữ đến nay gần 800 năm. Nhạc cụ để sử dụng trong hát rối là bộ gõ, gồm 2 chiếc mõ làm bằng gốc tre, 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không dùng dùi gõ), 2 trống cơm, 2 thanh la, 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu, 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói dùng để gõ theo trống cái. Tuy chỉ có một bộ gõ nhưng có thể diễn hết 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú và đặc sắc, nội dung ca ngợi triều đại thanh bình thịnh trị, công lao của các vị vua, các vị anh hùng, những người có công trong việc dựng nước và giữ nước, răn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống hiếu nghĩa, ước nguyện về một cuộc sống thanh bình, quốc thái, dân an. Ca từ hoàn toàn bằng tiếng Nôm, có nhiều từ cổ nên để hát được, các nghệ nhân phải học tiếng Nôm để hiểu hết được ca từ.
Hàng năm, múa hát rối đầu gỗ chỉ biểu diễn 4 lần vào đêm giao thừa và 3 đêm lễ hội 20, 21, 22 tháng Giêng, mỗi lần biểu diễn từ 5 đến 6 tiếng bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc lúc 12 giờ đêm với bài Dâng phú. Bài ca này chỉ những ông trùm phường rối mới được học bởi đây là bài văn ca có nhiều tên húy của các thánh nên ông trùm phường rối không được ghi ra giấy, phải quỳ đọc lẩm nhẩm và đánh trống lấp tiếng đi để không ai nghe rõ. Sân khấu biểu diễn không cầu kỳ mà chỉ đơn giản là một bức rèm che cách điệu được mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong chùa, người múa rối, người hát, người gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn, quay mặt về phía ban thờ Phật và ban thờ Đức Thánh Từ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trùm trưởng hội rối thôn Vân Chàng cho biết: Hội rối đã có từ rất lâu để nhớ ơn Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh, sư tổ của nghệ thuật múa rối Việt Nam. Được gọi là múa rối đầu gỗ chầu Thánh bởi mục đích múa rối là để Thánh xem chứ không phải chỉ cho người dân xem, nên dù không có ai, các hội viên phường rối vẫn diễn cho đến khi hết các bài ca.
Hiện nay, hội rối Chùa Đại Bi có 56 thành viên, là người thuộc 3 thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba. Trò Ổi Lỗi không chỉ dừng lại là loại hình nghệ thuật mà còn mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh được người dân nơi đây tôn kính và thờ phụng. Mỗi năm, ngoài việc diễn ở Chùa Bi, hội rối còn diễn hành hương ở Chùa Láng (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) vào ngày 6 tháng 3 âm lịch và Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) vào ngày 7 tháng 3 âm lịch. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghệ thuật hát múa rối Chùa Bi vẫn bền bỉ cháy và trở thành một “món ăn tinh thần” khác lạ của người dân nơi đây và đặc biệt hấp dẫn với những du khách quý trọng văn hóa truyền thống của cư dân Việt./.