Đấu cờ trong các lễ hội mùa xuân

04:02, 15/02/2019

Trong các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian vào dịp lễ, Tết, thi đấu cờ tướng, cờ người, cờ thẻ thường thu hút đông người xem bởi đây là môn thể thao giải trí sinh động, hấp dẫn. Đấu cờ không đơn thuần để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu trí tuệ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thi đấu cờ người trong lễ hội Phủ Dầy tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Thi đấu cờ người trong lễ hội Phủ Dầy tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Vụ Bản là vùng đất cổ, nơi có lễ hội Phủ Dầy nên các môn thể thao dân gian từ lâu đã phát triển mạnh. Lễ hội Phủ Dầy diễn ra từ mồng 5 đến mồng 8-3 âm lịch hàng năm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, có thi đấu cờ người tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái. Để có được một hội cờ xuân vui vẻ và độc đáo, đậm nét văn hóa, ban tổ chức lễ hội phải chuẩn bị hàng tháng trời. Bàn cờ được kẻ trên sân đất rộng, 32 người đội nón, mũ, mặc quần áo có biểu tượng quân cờ. Những người được chọn làm quân cờ phải là những “trai thanh, gái lịch” trên địa bàn có độ tuổi từ 13-15; số lượng 16 nam, 16 nữ; trong đó có hai gương mặt nổi bật nhất là hai tướng: một nam (tướng Ông), một nữ (tướng Bà). Ngoài ra hội cờ không thể thiếu Tổng cờ (trọng tài) trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi cuộc đấu. Các trận đấu cờ thi đấu theo Luật Cờ tướng. Ngoài ra, để giải cờ diễn ra đúng thời gian, các ván cờ thi đấu khoảng 50 phút; mỗi nước đi không quá 1 phút. Để bắt đầu trận đấu cờ, một hồi trống dài dõng dạc nổi lên báo hiệu các quân cờ vào vị trí. Mỗi “quân cờ” có ghế ngồi, trên tay các nam, nữ thủ vai các quân cờ mỗi người cầm một chiếc trượng dài, phía trên có gắn biểu tượng của các quân cờ. Tiếp đến là hai cờ thủ, mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ, để chỉ huy trận đánh. Các vận động viên muốn đi quân cờ nào đều dùng cờ chỉ vào quân cờ đó rồi dẫn đến vị trí mới. Sau mỗi nước đi của các cờ thủ, tổng cờ sẽ ra lệnh điều khiển vị trí di chuyển của các “quân cờ”. Những trận đấu mà các đối thủ ngang sức ngang tài, trong thời gian quy định, vẫn không phân được thắng bại, ban giám khảo sẽ quyết định cho dừng cuộc đấu và cho hai đối thủ đi tiếp những nước cờ qua bàn cờ tướng. Sự hấp dẫn của các trận cờ tại lễ hội Phủ Dầy thu hút hàng trăm khán giả đứng quanh bốn mặt sân đấu chăm chú theo dõi, thưởng thức và bàn tán nước đi của các cờ thủ. Hội thi đấu cờ người tại lễ hội Phủ Dầy không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Hội cờ hàng năm quy tụ trên 50 cờ thủ giỏi từ khắp nơi tham gia như: những người trẻ tuổi, những người con của địa phương đi làm ăn xa về quê vui Tết, khách du lịch... chính điều đó đã tạo nên điểm độc đáo cho hội cờ xuân nơi đây. Vào dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh còn có một số lễ hội cũng thường xuyên tổ chức thi đấu cờ tướng, cờ người như: lễ hội Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung (Vụ Bản) diễn ra mồng 6 và 7 tháng Giêng; lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) từ mồng 3 đến 5-3 âm lịch vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi; lễ hội Đền An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) được tổ chức vào tháng 3 âm lịch… thu hút nhiều cờ thủ từ các vùng lân cận về tham dự, cống hiến cho khán giả nhiều trận cờ hay, hấp dẫn.

Việc khôi phục, tổ chức các giải cờ tướng, cờ thẻ, cờ người trong các lễ hội truyền thống của các địa phương trong tỉnh đã thúc đẩy phong trào cờ tướng phát triển mạnh mẽ; nhiều hội, câu lạc bộ cờ tướng được thành lập. Theo thống kê, đến nay ở cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có hoạt động thi đấu, giao lưu cờ tướng, cờ thẻ, cờ người. Trong đó có khoảng 100 xã, phường, thị trấn thành lập được câu lạc bộ, trung bình mỗi câu lạc bộ có khoảng 20 hội viên, lực lượng nòng cốt là hội viên Hội Người cao tuổi. Ngoài ra, hàng chục câu lạc bộ cờ tướng ở các cơ quan, đoàn thể... với số lượng hàng trăm người chơi thường xuyên. Các câu lạc bộ cờ tướng hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự nguyện đóng góp kinh phí, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, nâng cao trình độ. Huyện Vụ Bản hiện có 5 câu lạc bộ cờ tướng ở các xã, thị trấn; trong đó nổi tiếng là câu lạc bộ cờ tướng xã Quang Trung (Vụ Bản). Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay câu lạc bộ đã quy tụ trên 80 hội viên trong và ngoài xã tham gia. Nhằm nâng cao trình độ cho hội viên, hàng năm, câu lạc bộ đều tham gia 2 giải thi đấu cờ thẻ, cờ người đầu xuân từ ngày mồng 2 đến mồng 4 Tết Nguyên đán và giải cờ trong lễ hội Phủ Giáp Ba diễn ra từ mồng 1 đến 10 tháng Giêng thu hút đông đảo hội viên tham dự. Thành phố Nam Định có phong trào cờ tướng mạnh, thu hút đông người chơi và có nhiều câu lạc bộ hoạt động nền nếp; tiêu biểu như Câu lạc bộ cờ tướng Thành Nam là lực lượng nòng cốt tham gia thi đấu cờ thẻ trong lễ hội Trần. Ngoài ra, câu lạc bộ luôn duy trì tổ chức giải cờ trình vào mùng 4 Tết hàng năm trên sân quảng trường Hoà Bình. Huyện Nam Trực hiện có khoảng 10 câu lạc bộ cờ tướng ở các xã: Nam Mỹ, Nam Tiến, Nam Hồng, Nam Thanh, Nghĩa An, Nam Cường và Thị trấn Nam Giang... Huyện Ý Yên có 25/32 xã, thị trấn thành lập câu lạc bộ cờ tướng với số lượng hàng trăm hội viên...

Du xuân trẩy hội, bên cạnh sự náo nhiệt của những trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm; các môn thể thao truyền thống như đấu vật, bơi chải, kéo co… thiên về sức mạnh thì đấu cờ là sân chơi của sự tinh tế và trầm tĩnh, có giá trị tinh thần. Nhiều hội cờ diễn ra trong các lễ hội đầu năm không chỉ là nơi những người yêu thích đấu cờ được thể hiện tài năng mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng, tạo sự gần gũi giữa du khách và người dân địa phương, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com